Đam mê với văn hóa dân gian, yêu thích sưu tầm đồ cổ, Hoàng Việt Anh không chỉ sở hữu bộ sưu tập đồ sộ mà còn nhiều lần hiến tặng hiện vật quý cho Bảo tàng tổng hợp Quảng Bình, trở thành nghệ nhân dân gian VN khi chỉ mới 23 tuổi.
Dáng người cao, có chất giọng rất đặc biệt trình diễn những bài hát dân gian vùng cao Quảng Bình, Hoàng Việt Anh (23 tuổi, trú tại xã Xuân Hóa, H.Minh Hóa) ngay lập tức thu hút sự chú ý của khách từ xa đến.
Việt Anh có đam mê với sưu tầm cổ vật. Ảnh: B.H |
Việt Anh rất thích tìm hiểu văn hóa của địa phương, đặc biệt là những nét văn hóa dân gian, truyền thống của đồng bào Rục, đồng bào Nguồn… sống trên địa bàn H.Minh Hóa. “Từ nhỏ, do bố mẹ đi làm xa nên tôi sống cùng bà ngoại. Được nghe bà ngoại ru bằng những điệu hát của quê hương, tôi dần cảm nhận được và có cảm hứng, để rồi khi càng lớn tôi càng thấy yêu thích, bị hấp dẫn bởi những nét văn hóa của địa phương”, Việt Anh nói.
Từ khi lên 6, chàng trai sinh năm 2001 bắt đầu tập chơi các nhạc cụ dân gian như sáo, đàn bầu, đàn nhị… Khi học tại Trường ĐH Luật Huế, anh càng có cơ hội thể hiện tài năng khi tham gia CLB văn hóa văn nghệ của trường, thường xuyên trình diễn. “Tại quê nhà, tôi cũng thường tham gia biểu diễn với các cô chú nhiều tiết mục dân gian và làm giảng viên truyền dạy hát sắc bùa tại xã Tân Hóa. Năm 2020, tôi may mắn được Hội Văn nghệ nhân dân gian VN công nhận là nghệ nhân dân gian”, Việt Anh chia sẻ.
Hiện tại, chàng trai trẻ đang trong thời gian thực hiện nghĩa vụ tại Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh Quảng Bình. Dù đang là một chiến sĩ của lực lượng vũ trang, Việt Anh vẫn dành thời gian để luyện tập, viết bài nghiên cứu về văn hóa dân gian.
Không chỉ biết chơi nhiều loại nhạc cụ dân tộc, Việt Anh còn có đam mê sưu tầm cổ vật. Chàng trai trẻ đang sở hữu bộ sưu tập với hơn 100 hiện vật từ thời kỳ phong kiến cho đến thời bao cấp.
“Đam mê với cổ vật cũng bắt đầu từ bà ngoại khi được bà cho những đồng xu có từ thời kỳ phong kiến. Lúc nhỏ, chưa có tiền, khi biết ai có các đồ vật xưa cũ tôi cứ đến nhà hết lần này đến lần khác để… xin. Sau này, khi kiếm được tiền, tôi sẵn sàng săn lùng để mua cho bằng được”, Việt Anh dí dỏm.
Việt Anh cũng biết cách “cho”. Nhiều hiện vật như chén, chum, lọ… thời nhà Lê, nhà Trần đã được anh hiến tặng Bảo tàng tổng hợp tỉnh Quảng Bình, hoặc hiến tặng chén dĩa sứ cổ, thau đồng cho bảo tàng khác ở các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình.
Bà Lê Thị Hoài Hương, Giám đốc Bảo tàng tổng hợp tỉnh Quảng Bình, ghi nhận giá trị của các hiện vật và tinh thần chia sẻ của Việt Anh. “Sau mỗi lần Việt Anh hiến tặng, chúng tôi đều có một hội đồng thẩm định lại giá trị lịch sử của các hiện vật. Tính đến nay cũng đã có hơn 30 hiện vật do Việt Anh hiến tặng được trưng bày tại bảo tàng”, bà Hương nói.
Việt Anh thừa nhận mình đang theo đuổi niềm đam mê có vẻ “già” hơn các bạn đồng trang lứa. Thế nhưng, cũng chính niềm đam mê và những cống hiến của mình, Việt Anh chứng minh người trẻ đang biết cách tiếp nối những giá trị văn hóa đẹp của thế hệ trước và chung tay gìn giữ.
https%3A%2F%2Fbaogialai.com.vn%2Fgen-z-me-do-co-tro-thanh-nghe-nhan-dan-gian-o-tuoi-23-post284327.html