Ở trong nước, thương mại điện tử Việt Nam tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng ấn tượng, đạt mức 18 – 25% mỗi năm. Năm 2024, quy mô thị trường thương mại điện tử sớm vượt mốc 25 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2023, chiếm tỷ trọng khoảng 9% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.
Tỷ trọng về thương mại điện tử chiếm 2/3 giá trị nền kinh tế số Việt Nam. Tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử, kinh tế số Việt Nam tiếp tục ở hai con số vững chắc, thuộc Top 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới, tạo động lực phát triển kinh tế số và dẫn dắt chuyển đổi số trong doanh nghiệp.
Bảng xếp hạng Thương hiệu Tốt nhất năm 2024 của Decision Lab, đối tác độc quyền của YouGov tại Việt Nam vừa được công bố, mang đến những góc nhìn sâu sắc về sức khỏe thương hiệu và sự thay đổi trong thị hiếu người tiêu dùng Việt Nam. Điểm nhấn của bảng xếp hạng năm nay là sự trỗi dậy mạnh mẽ của thương mại điện tử, với việc Shopee soán ngôi Samsung để vươn lên vị trí dẫn đầu và sự bứt phá ngoạn mục của TikTok, cho thấy sự kết hợp giữa giải trí và mua sắm trực tuyến đang ngày càng chiếm lĩnh thị trường.
Sau ba năm liên tiếp giữ vị trí quán quân, Samsung đã phải nhường lại ngôi đầu bảng cho Shopee. Đây là một bước ngoặt quan trọng, khẳng định vị thế ngày càng lớn mạnh của thương mại điện tử trong đời sống người Việt. Shopee, từ vị trí thứ ba vào năm 2023 đã chứng minh được sự nỗ lực không ngừng trong việc cải thiện trải nghiệm người dùng và xây dựng lòng tin với khách hàng.
Ông Trần Tuấn Anh, Tổng giám đốc điều hành Shopee Việt Nam chia sẻ: “Đứng đầu bảng xếp hạng Thương hiệu Tốt nhất Decision Lab 2024 là minh chứng rõ ràng nhất cho nỗ lực không ngừng nghỉ của toàn thể đội ngũ Shopee Việt Nam. Chúng tôi cam kết tiếp tục đổi mới để mang lại trải nghiệm mua sắm tốt nhất cho người tiêu dùng”.
Shopee soán ngôi Samsung để vươn lên vị trí dẫn đầu Bảng xếp hạng Thương hiệu Tốt nhất năm 2024 của Decision Lab.
Một điểm đáng chú ý khác trong bảng xếp hạng năm nay là sự trỗi dậy mạnh mẽ của TikTok. Từ vị trí thứ 44 vào năm 2023, TikTok đã nhảy vọt lên vị trí thứ 14, một trong những bước tiến đáng kể nhất trong lịch sử bảng xếp hạng. Sự thành công này được cho là nhờ vào sự phát triển của TikTok Shop, nền tảng mua sắm trực tuyến tích hợp giải trí, tạo nên xu hướng “shoppertainment” đang ngày càng phổ biến. TikTok Shop đã thay đổi cách người tiêu dùng Việt Nam tiếp cận mua sắm trực tuyến, biến việc mua sắm trở thành một trải nghiệm giải trí thú vị và hấp dẫn.
Theo các nhà phân tích, sự trỗi dậy của Shopee và TikTok trong bảng xếp hạng năm nay cho thấy tác động mạnh mẽ của thương mại điện tử và bán lẻ lên trải nghiệm người tiêu dùng. Các thương hiệu này đã thành công trong việc kết hợp sự đổi mới và tiện lợi để thu hút và giữ chân khách hàng. Việc tích hợp giải trí và mua sắm trên các nền tảng thương mại điện tử cũng đang định hình lại hoàn toàn cách người Việt mua sắm trực tuyến.
Bên cạnh đó, việc tăng cường quản lý nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới, đảm bảo tính minh bạch và tuân thủ pháp luật cũng trở thành yêu cầu bức thiết.
Thời gian qua, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) đã rà soát và cung cấp thông tin nhiều website thương mại điện tử có dấu hiệu vi phạm hành chính cho Tổng cục Quảng lý thị trường và các Cục tại Hà Nội, TP.HCM, Quảng Trị, Hà Nam, Bạc Liêu, Điện Biên để xử lý theo thẩm quyền 9 website trong năm 2024.
Về công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động thương mại điện tử, trong năm 2024, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã tiến hàng thanh tra 2 đơn vị, kiểm tra 5 đơn vị theo kế hoạch phê duyệt năm 2024 của Bộ trưởng Bộ Công thương. Trong quá trình thực hiện công tác kiểm tra, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã phát hiện, xử phạt vi phạm hành chính đối với 5 đơn vị, tổng số tiền nộp phạt vi phạm hành chính vào ngân sách Nhà nước là 162 triệu đồng; tiến hành thanh tra 1 đơn vị theo kế hoạch phê duyệt năm 2024 của Bộ trưởng Bộ Công thương.
Thanh Hiền (t/h)
https%3A%2F%2Fvietq.vn%2Fvi-sao-shopee-tiktok-vuon-len-dan-dau-tren-nen-tang-thuong-mai-dien-tu-viet-d229416.html