(QBĐT) – Ngày 28/10/2024, UBND tỉnh ban hành kế hoạch hành động triển khai thực hiện đề án tái cơ cấu ngành Công thương trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đến năm 2030. Phóng viên (P.V) Báo Quảng Bình đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Quang Hải, Giám đốc Sở Công thương xung quanh vấn đề này.
– P.V: Thưa ông, việc UBND tỉnh ban hành kế hoạch có ý nghĩa ra sao với ngành Công thương trong thời điểm này?
– Ông Phạm Quang Hải: Kế hoạch đã cụ thể hóa quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, đồng thời tạo sự nhất trí, đồng thuận cao trong nhận thức, hành động của các cấp, các ngành, đoàn thể và nhân dân trong thực hiện đề án trên địa bàn tỉnh. Kế hoạch được ban hành tạo tiền đề thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng, tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của ngành Công thương cũng như thúc đẩy và tăng cường hiệu quả hội nhập quốc tế gắn với phát triển bền vững, qua đó, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh.
– P.V: Việc thực hiện đề án sẽ gồm những nội dung chính nào?
– Ông Phạm Quang Hải: Đề án tái cơ cấu ngành Công thương sẽ tập trung vào 5 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu sau:
Một là, đề xuất, xây dựng cơ chế chính sách phát triển công nghiệp, thương mại (CN, TM); tổ chức triển khai các quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án phát triển CN, TM.
Hai là, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phục vụ phát triển CN, TM thực hiện tái cơ cấu ngành Công thương.
Ba là, cải cách tổ chức bộ máy theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; thực thi chính phủ điện tử nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, điều hành.
Bốn là, tăng cường công tác bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, thực hiện tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng toàn diện và phát triển bền vững.
Năm là, nâng cấp, hoàn thiện hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quản lý ngành, tăng cường công tác thông tin và chia sẻ thông tin; nâng cao năng lực và nhận thức cho các bên liên quan về tái cơ cấu ngành Công thương.
– P.V: Một vấn đề được nhắc đến khá nhiều trong kế hoạch, đó là sử dụng vai trò động lực của khoa học-công nghệ (KH-CN), đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số (CĐS) để phát huy tối đa các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Đây có phải vừa là mục tiêu đồng thời cũng là giải pháp đối với ngành Công thương?
– Ông Phạm Quang Hải: Với một điều kiện tự nhiên không mấy thuận lợi cho phát triển công nghiệp; xuất phát điểm thấp, phạm vi, quy mô sản xuất, kinh doanh (SXKD) nhỏ lẻ… thì việc sử dụng vai trò động lực của KH-CN, đổi mới sáng tạo, CĐS để phát huy tối đa các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh vừa là mục tiêu vừa là giải pháp đối với ngành trong quá trình tái cơ cấu.
Để hiện thực các mục tiêu nêu trên, ngành đã, đang và sẽ tiến hành: Triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình khuyến khích phát triển CN, TM; phát triển thương mại điện tử; CĐS ngành Công thương giai đoạn 2021-2025 và xây dựng, triển khai thực hiện cho các giai đoạn tiếp theo.
Giai đoạn 2021-2030, phấn đấu tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng công nghiệp đạt khoảng 11-12%/năm; tốc độ tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ bình quân 13-14%; tốc độ tăng bình quân kim ngạch xuất khẩu 9,6-10,5%; tốc độ tăng bình quân kim ngạch nhập khẩu 6,8-7,5%/năm.
Phấn đấu đến năm 2030, tỷ trọng công nghiệp trong GRDP đạt khoảng 16-18%; tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong công nghiệp chiếm 68-70%; tổng công suất các nguồn điện đạt 4.172MW (khoảng 20.000 triệu kWh điện); bảo đảm cân đối cung cầu về năng lượng với tỷ lệ tiêu hao năng lượng tính trên đơn vị GRDP giảm 1-1,5%/năm.
|
Ngành tiếp tục triển khai thực hiện đề án “Xây dựng cơ sở dữ liệu CN, TM tỉnh Quảng Bình”; duy trì hoạt động hệ thống phần mềm bản đồ số ngành Công thương; hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng giải pháp công nghệ số; xây dựng “Gian hàng Việt trực tuyến” trên các sàn thương mại điện tử lớn, uy tín hoặc phát triển thương hiệu trên môi trường internet… phấn đấu hoàn thành các mục tiêu CĐS của tỉnh năm 2025 trong lĩnh vực công thương.
Thúc đẩy ứng dụng mạnh mẽ KH-CN, đổi mới sáng tạo trong hoạt động SXKD, dịch vụ; tạo ra bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của ngành; đẩy nhanh lộ trình xây dựng lưới điện thông minh; thực hiện CĐS toàn diện, thực chất, hiệu quả, bền vững. Hiện đại hóa hệ thống thông tin dữ liệu, các hệ thống tự động hóa phục vụ công tác vận hành hệ thống điện và thị trường điện.
– P.V: Riêng đối với Sở Công thương, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới để triển khai thực hiện đề án này là gì?
– Ông Phạm Quang Hải: Sở sẽ chủ trì, phối hợp tuyên truyền, quán triệt, phổ biến rộng rãi về chủ trương, nội dung, nhiệm vụ tái cơ cấu ngành Công thương; tham mưu UBND tỉnh kịp thời xử lý tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư, doanh nghiệp liên quan đến hoạt động đầu tư, SXKD để thúc đẩy phát triển ổn định và bền vững cho ngành; triển khai hiệu quả các chính sách, chương trình, đề án, kế hoạch của ngành Công thương giai đoạn đến năm 2030.
Sở cũng sẽ đề xuất, tham mưu UBND tỉnh các cơ chế chính sách hỗ trợ, ưu đãi đầu tư của tỉnh về lĩnh vực CN, TM trên địa bàn tỉnh; các chương trình, đề án nhằm tạo phát triển đột phá cho ngành trong giai đoạn đến năm 2030; tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các hoạt động về cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh gắn với đẩy mạnh áp dụng CĐS trong cung cấp các dịch vụ công được phân công; tăng cường các hoạt động đối thoại với doanh nghiệp trong triển khai thực hiện tái cơ cấu ngành Công thương trên địa bàn.
– P.V: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
Hương Lê (thực hiện)
https%3A%2F%2Fbaoquangbinh.vn%2Fkinh-te%2F202411%2Ftrien-khai-thuc-hien-de-an-tai-co-cau-nganh-cong-thuong-2222581%2F