Câu chuyện trên đã trở thành hiện tượng viral cực mạnh.
Cô Santry kể trong video rằng cô nghĩ ngôi nhà của mình bị ma ám. Cô thức dậy vào buổi sáng thì thấy phòng làm việc lộn xộn và máy tính xách tay bị hư. Đến khi làm hàng rào cùng bạn trai, cô phát hiện một tấm thảm được chôn dưới đất trong sân.
Cô gọi báo cảnh sát về tấm thảm song ban đầu cảnh sát cho rằng không có gì đáng ngờ.
Vài ngày sau, cô Santry đăng một video khác cho biết cảnh sát muốn cử thêm nhân viên đến để làm rõ và sẽ cho chó nghiệp vụ tìm kiếm xem liệu có dấu vết thi thể nào không. Chủ nhân kênh TikTok này đã phát trực tiếp hoạt động kiểm tra của cảnh sát cùng hai con chó nghiệp vụ đánh hơi khắp sân.
Tuy nhiên, dù cảnh sát cho máy xúc đến đào đất để lấy tấm thảm lên cũng không tìm thấy bất kỳ dấu hiệu nào liên quan thi thể người hoặc xác động vật. Nhưng trong một video, Santry tiếp tục cho biết cô vẫn không hiểu tại sao cả hai con chó nghiệp vụ đều ngồi cạnh hố.
Loạt video được Santry đăng trên TikTok gồm hơn 30 phần, hầu hết đều thu hút hàng triệu lượt xem. Trước khi đăng tải loạt video này, tài khoản TikTok của Santry chỉ có khoảng 6.000 người theo dõi, nhung sau đó đã tăng lên 2 triệu người chỉ trong 4 ngày.
Theo tạp chí Forbes, đây là ví dụ thể hiện rõ sở thích của người dùng TikTok, đó là ưa chuộng loạt video nhiều phần và trải nghiệm trở thành người chứng kiến trong một cuộc điều tra.
Trong khi đó, trang Techcrunch bình luận việc hàng triệu người bị cuốn vào nghi vấn có xác chết trong sân nhà ai đó là quá điên rồ. Việc nhiều người theo dõi khuyến khích Santry tiếp tục đào bới khắp nhà hay tỏ ra thất vọng vì không có xác chết nào đã phần nào cho thấy “sự say mê bệnh hoạn” của cư dân mạng.
Cũng có người cho rằng Santry kiếm được một khoản tiền lớn, cáo buộc cô này kiếm lợi từ cuộc điều tra.
Về phần Santry, cô này khẳng định với tờ The Independent rằng bản thân không nghĩ video dẫn sự việc đi xa như vậy. Ý định ban đầu chỉ là đăng một video về ngôi nhà bị ma ám và “bóng ma” làm hỏng chiếc Macbook.
Ở Mỹ, các video đăng tải trên nền tảng mạng xã hội TikTok đều được trả tiền theo lượt xem nếu đáp ứng điều kiện dài trên 1 phút và đạt lượt xem tối thiểu theo quy định. Mức tiền mà nhà sáng tạo nội dung nhận được là 1 USD/1.000 lượt xem. Với Santry, theo TikCalculator, cô có thể kiếm được khoảng 3.482 USD cho mỗi video.
Santry cũng bắt đầu bán áo thun, áo hoodie và mũ có dòng chữ “có gì trong tấm thảm vậy?”.
Ông Nguyễn Thành Trung, người quản lý của một số nhà sáng tạo nội dung tại TP HCM, cho rằng câu chuyện “tấm thảm đáng ngờ” nêu trên cho thấy một xu hướng tạo nội dung đáng lo ngại. Việc người xem quan tâm đến các nội dung dạng này cũng phản ánh xu hướng một bộ phận người dùng mạng xã hội có hành vi không lành mạnh.
“Nội dung giải trí cần sự sáng tạo và mới mẻ nhưng việc lợi dụng các yếu tố rùng rợn hoặc nhạy cảm để thu hút người xem – nhất là trong bối cảnh nhiều thông tin thiếu kiểm chứng hoặc sai lệch như hiện nay – thì có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Người dùng sẽ không thể lường trước được những rủi ro đến với mình, chẳng hạn bị phạt hành chính, thậm chí bị xử lý hình sự” – ông Trung lưu ý.
https%3A%2F%2Fcafef.vn%2Ftiktok-xon-xao-cau-chuyen-tam-tham-dang-ngo-chu-kenh-hot-bac-188241018050127042.chn