Như Tuổi Trẻ Online thông tin: Sau hàng loạt vụ việc bê bối liên quan đến câu view, thông tin sai sự thật, không chỉ có Việt Nam quan tâm muốn “siết” lại với các nền tảng xã hội, mà các quốc gia khác trên thế giới cũng đưa ra những biện pháp rất cứng rắn.
Tại sự kiện TikTok Safety Summit 2024 vừa được TikTok tổ chức lần đầu tiên tại Việt Nam sáng 11-6, ông Nguyễn Lâm Thanh, đại diện TikTok Việt Nam, cho biết trong thời gian qua, TikTok đã làm việc với Viện nghiên cứu Phát triển bền vững, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và nhiều đối tác khác để gia tăng bảo vệ quyền trẻ em, trẻ vị thành niên tận dụng được thế mạnh của nền tảng nhưng vẫn đảm bảo an toàn.
Còn ông Ngô Tuấn Anh, phó chủ tịch Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam, chủ nhiệm Câu lạc bộ Bảo vệ trẻ em trên mạng, cho rằng: “Trước tiên chúng ta phải có hành lang pháp lý quy định các chế tài để bảo vệ trẻ em”.
Xung quanh sự kiện này khơi lên ý kiến trái chiều từ bạn đọc.
Một số người đề nghị: Để bảo vệ trẻ em Việt Nam trên không gian mạng, cần sự chung tay từ các bậc cha mẹ, người giám hộ, thầy cô giáo, các cơ quan chức năng. Số khác mong muốn các doanh nghiệp công nghệ, nền tảng dịch vụ mạng… phải kiểm duyệt nội dung thật chỉn chu.
Và không chỉ có người Việt quan tâm, từ cấp độ gia đình cho đến chính phủ, một số quốc gia như: Canada, Pháp, Mỹ, Úc… đều đã có những hành động quyết liệt cụ thể trước làn sóng mạng xã hội làm “vẩn đục” tâm hồn trong sáng của trẻ em.
Ứng xử dưới đây của một số quốc gia đối với mạng xã hội, các phụ huynh Việt Nam có thể tham khảo.
Pháp: Các gia đình kiện TikTok sau khi có 2 trẻ tự tử
Tại Pháp, bảy gia đình đã nộp đơn kiện TikTok, cáo buộc nền tảng này để cho con họ tiếp cận với các nội dung độc hại, dẫn đến việc hai trong số những trẻ này đã tự tử khi mới 15 tuổi.
Các gia đình cho rằng thuật toán của TikTok đã cho con họ xem các video khuyến khích tự sát, tự làm hại bản thân, cùng với nhiều vấn đề rối loạn ăn uống.
Vì vậy, họ yêu cầu TikTok chịu trách nhiệm pháp lý về những thiếu sót trong việc quản lý nội dung của mình.
Đây là vụ kiện đầu tiên ở châu Âu có sự tham gia của nhiều gia đình.
Chia sẻ với kênh truyền hình Franceinfo hôm 4-11, luật sư Laure Boutron Marmion cáo buộc thuật toán của TikTok đã cho 7 trẻ vị thành niên tiếp xúc với các video khuyến khích tự tử, làm hại bản thân và rối loạn ăn uống.
Theo luật sư, nguyên đơn muốn làm rõ trách nhiệm pháp lý của TikTok tại tòa. Cụ thể, TikTok, cũng như các mạng xã hội khác, từ lâu đối diện với sự giám sát vì cách kiểm duyệt nội dung trên ứng dụng.
Canada: Đóng cửa văn phòng TikTok vì nguy cơ an ninh quốc gia
Tại Canada, chính phủ đã yêu cầu TikTok đóng cửa các hoạt động kinh doanh tại quốc gia này với lý do nguy cơ an ninh quốc gia.
Bộ trưởng Đổi mới François-Philippe Champagne cho biết vì mục đích bảo vệ an ninh quốc gia, bộ đưa ra quyết định này sau khi xem xét các thông tin và chứng cứ liên quan đến hoạt động của ByteDance, công ty mẹ của TikTok.
Nước này cũng đã cấm ứng dụng TikTok trên các thiết bị do chính phủ cấp nhằm phòng tránh những rủi ro cao liên quan đến quyền riêng tư và bảo mật.
Mặc dù vậy, Canada không cấm người dân tiếp tục sử dụng ứng dụng TikTok mà chỉ yêu cầu đóng cửa văn phòng của công ty trên tại nước này.
TikTok đã phản đối và cho biết sẽ khởi kiện ra tòa để bảo vệ quyền lợi của mình.
Mỹ: Hàng trăm vụ kiện và áp lực an ninh
Ở Mỹ, TikTok, cùng các mạng xã hội khác như Facebook và Instagram (cùng thuộc Công ty Meta) phải đối mặt với hàng trăm vụ kiện liên quan cáo buộc khiến trẻ em bị nghiện và làm tổn hại sức khỏe tâm thần của trẻ.
Trước bối cảnh đó, TikTok tuyên bố coi trọng các vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm thần của trẻ em. CEO Shou Zi Chew khẳng định với các nhà lập pháp Mỹ rằng công ty đã đầu tư nghiên cứu các biện pháp bảo vệ những người trẻ tuổi khi sử dụng ứng dụng này.
Trong khi đó, vì lý do an ninh quốc gia, Chính phủ Mỹ yêu cầu ByteDance bán lại nền tảng này trước ngày 19-1-2025, nếu không công ty có thể bị cấm hoạt động. Tuy nhiên, Nhà Trắng chỉ muốn ByteDance không còn sở hữu TikTok chứ không cấm ứng dụng này hoàn toàn.
Cấm trẻ dưới 16 tuổi xài mạng xã hội
So với các nước kể trên, Úc có hành động mạnh mẽ hơn cả khi thông báo sẽ ban hành luật cấm trẻ dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội.
Chính phủ Úc đang thử nghiệm một hệ thống xác minh tuổi để ngăn chặn trẻ em tiếp cận các nền tảng này, đồng thời dự định đưa ra một số biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt nhất từ trước đến nay đối với các mạng xã hội.
Những biện pháp này là một phần trong chiến lược của Úc nhằm bảo vệ sức khỏe tâm thần và an toàn cho trẻ em trong kỷ nguyên số.
https%3A%2F%2Ftuoitre.vn%2Fthieu-nien-tu-tu-khien-tiktok-bi-kien-o-phap-cac-nuoc-dang-lam-gi-de-bao-ve-tre-em-20241109093659876.htm