Ai đang có lợi thế?
Kết thúc năm 2024, Shopee vẫn đang duy trì vị thế dẫn đầu với 66,7% thị phần, theo YouNet ECI. Tăng trưởng doanh thu của Shopee lên tới 41% so với năm 2023. Chiến lược của “sàn cam” vẫn tập trung vào mở rộng tập khách hàng thông qua chương trình miễn phí vận chuyển, tăng cường tiếp thị liên kết và xây dựng hệ sinh thái từ các nhà bán lẻ nhỏ lẻ, đặc biệt ở các thành phố cấp hai.
TikTok Shop đạt 26,9% thị phần nhưng đang là sàn có tốc độ tăng trưởng cao nhất (99% trong năm 2024). Điểm mạnh của TikTok Shop là tận dụng AI và dữ liệu hành vi để cá nhân hóa trải nghiệm mua sắm, thúc đẩy doanh số thông qua các phiên livestream bán hàng triệu đô và các nội dung video ngắn.
Dù có sự hậu thuẫn từ Alibaba, Lazada đang mất dần thị phần tại Việt Nam (7,6% năm 2024). Chiến lược tập trung vào hàng hiệu và trải nghiệm cao cấp giúp Lazada giữ chân một lượng khách hàng trung thành. Tuy nhiên, mô hình này không đủ để cạnh tranh trực tiếp với Shopee hay TikTok Shop, vốn có lợi thế về giá cả và chiến lược tiếp cận khách hàng.
Tiki với chỉ 1,3% thị phần, đang gặp khó khăn trong việc duy trì mô hình thương mại điện tử thuần Việt. Dù có sự khác biệt với mô hình TikiNOW giao nhanh, nhưng Tiki thiếu khả năng mở rộng quy mô như Shopee hay TikTok. Ngoài ra, việc cạnh tranh về giá với các đối thủ lớn là một bài toán khó.
Ngoài ra, thị trường thương mại điện tử Việt Nam đang đứng trước áp lực của các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới như sàn Temu và Shein. Bằng chiến lược bán hàng giá rẻ trực tiếp từ Trung Quốc, những nền tảng này có thể làm suy yếu các sàn nội địa bằng cách cắt bỏ trung gian, giảm thiểu chi phí vận hành. Họ có thể trở thành yếu tố gây xáo trộn thị trường nếu như xin được giấy phép hoạt động tại Việt Nam.
Cuộc chạy đua tới “ngôi vương”
Thị trường thương mại điện tử Việt Nam tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng ấn tượng. Năm 2024, quy mô thị trường đã vượt mốc 25 tỷ USD, tăng trung bình 26,7%/năm, chiếm khoảng 9% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, theo VECOM. Dự báo của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) nhận định năm 2025, thị trường này sẽ cán mốc hơn 31 tỷ USD.
Như vậy, “miếng bánh” cơ hội dành cho những người chơi chính trên thị trường còn rất nhiều. Đơn cử như Shopee, mặc dù năm 2024 bị giảm thị phần do sự nổi lên của Tiktok Shop nhưng về doanh thu và tốc độ tăng trưởng vẫn rất cao. Điều này cho thấy các sàn nếu duy trì chiến lược tiếp cận khách hàng đúng và trúng vẫn có cơ hội gia tăng lợi nhuận.
Nhìn vào chiến lược của các sàn có thể thấy Shopee vẫn có ưu thế lớn nhờ hệ thống logistics mạnh, tệp khách hàng rộng và chính sách khuyến mãi linh hoạt. Tuy nhiên, áp lực về lợi nhuận và cạnh tranh về giá sẽ là thách thức. Việc phụ thuộc nhiều vào khuyến mãi có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận trong dài hạn.
TikTok Shop có cơ hội lớn để tiếp tục bứt phá, nhưng phải giải quyết vấn đề về chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, việc phụ thuộc vào trào lưu bán hàng qua video ngắn hay livetream cũng khó để bền vững. Nếu TikTok không mở rộng được hình thức bán hàng ngoài livestream, Shopee vẫn sẽ giữ ngôi vương.
Lazada có cơ hội giữ vững phân khúc khách hàng cao cấp, nhưng khó cạnh tranh với Shopee và TikTok Shop. Trong khi đó, Tiki cần có bước đột phá hoặc tìm một tập đoàn lớn hậu thuẫn nếu muốn tồn tại lâu dài. Lazada và Tiki cần tìm thị trường ngách, như tập trung vào hàng chính hãng, giao nhanh hoặc mô hình B2B để không bị tụt lại.
Ngài ra, việc ứng dụng công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI) và phân tích dữ liệu lớn đã trở thành yếu tố then chốt trong chiến lược của các sàn nhằm nâng cao trải nghiệm người dùng và tối ưu hóa hoạt động kinh doanh. Công nghệ cũng sẽ tạo ra những kỳ tích mới nhưng đồng thời cũng tăng thêm gánh nặng chi phí đầu tư, vận hành cho các sàn.
Chưa kể, trong bối cảnh thị trường thương mại điện tử Việt Nam phát triển nhanh chóng, quản lý thuế đối với nhà bán hàng trên các sàn thương mại điện tử trở thành một vấn đề quan trọng. Cơ quan thuế sẽ tiếp tục siết chặt giám sát doanh thu từ thương mại điện tử.
Các sàn như Shopee, TikTok Shop, Lazada, Tiki, Sendo cần tuân thủ quy định pháp luật để đảm bảo minh bạch và tránh các rủi ro pháp lý. Cần kiểm tra kỹ pháp lý của người bán và có cơ chế hỗ trợ nhà bán hàng, đặc biệt nhà bán hàng nước ngoài tuân thủ quy định kê khai và nộp thuế.
https%3A%2F%2Fdoanhnhantrevietnam.vn%2Fthe-tran-cua-shopee-va-tiktok-shop-trong-nam-2025-d25244.html