Thu nhập 15 triệu nhưng cuối tháng tiêu hết sạch
“Điều quan trọng không phải là bạn kiếm được bao nhiêu tiền, mà là số tiền bạn giữ lại được” – Chúng ta vẫn thường nhắc đến tiết kiệm như một bước cơ bản trên hành trình quản lý tài chính cá nhân. Tuy nhiên, để thực hiện thì không phải ai cũng làm được.
Điển hình như cô gái dưới đây. Cô nàng tiêu đến đâu, xài đến đó khiến cho nhiều người phải “giật mình” khi nhìn vào bảng chi tiêu hàng tháng của cô gái này.

Ảnh minh hoạ.
Cụ thể, cô gái tâm sự trong một group chuyên về chi tiêu như sau:
“Xin chào mọi người. Em là nữ, 26 tuổi (SN 1999), sống 1 mình. Làm marketing thu nhập hiện tại khoảng 11 triệu (có tháng có thêm khoảng 1-4 triệu nhận job ngoài nữa). Đang nợ bố mẹ 60 triệu (mua xe máy và Laptop từ thời sinh viên).
Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại lương tháng nào tiêu hết tháng đó, không để ra được đồng nào. Chi chủ yếu cho việc ăn uống và hội họp xã giao (không quá cần thiết). Thực sự bản thân em cũng hiểu được vấn đề mình đang tiêu pha không hợp lý. Nhưng lại chưa thay đổi được. Em muốn lên đây để xin lời khuyên của mọi người. Dưới đây là:
Tiền nhà: 2,5-2,7 triệu (đã bao gồm cả điện, nước, mạng)
Tiền xăng: 250-300k
Tiền 4G: 70k cho bản thân + 150k đăng ký cho mẹ
Tiền ăn sáng: 300-400k
Đi chợ: 5-6 triệu (đồ ăn uống + đồ dùng + đồ skin care + quần áo)
Gội đầu: 550k/tháng (gói gội không giới hạn số buổi)
Trả góp Điện thoại: 1,5 triệu (hết tháng này là trả xong)
Hội họp bạn bè: 1-2 triệu.
Gần đây bố mẹ em cũng nhắc về khoản nợ 60 triệu thì em mới thấy cần phải tính toán và xem xét lại (trước giờ em vẫn có dự định trả nợ bố mẹ chứ không phải là không có ý định trả nên mong anh chị đừng toxic). Giờ em thực sự mong muốn lên kế hoạch trả nợ cũng như có thể bỏ ra 1 khoản trước năm 30 tuổi thì cần làm thế nào. Mọi người cho em xin lời khuyên ạ “.

Ảnh minh hoạ.
Bên dưới bài đăng, đã có rất nhiều netizen góp ý vào bảng chi tiêu của cô gái này. Đa số đều cho rằng, cô gái có một khoản tiêu tốn khá nhiều chi phí là đi chợ (5-6 triệu) – chiềm gần 50% tổng thu nhập. Để tối ưu khoản này, cô gái có thể nhờ cha mẹ mua hộ đồ ở quê, hoặc tự nấu thì sẽ tiết kiệm hơn.
Ngoài ra, bảng chi tiêu này cũng có thể vén thêm được các khoản như: Tiền gội đầu, trả góp điện thoại… Như vậy có thể tiết kiệm được ít nhất khoảng 2-4 triệu/tháng.
Tuy nhiên, đa số vẫn cho rằng điều quan trọng nhất với cô gái ở thời điểm hiện tại là phải tích luỹ thêm kiến thức, tìm được công việc có mức thu nhập cao hơn. Bởi mức thu nhập của cô nàng trong ngành Marketing đang chưa phải cao, và vẫn còn cơ hội để nhận mức tốt hơn nữa. Còn việc tiết kiệm được 2-4 triệu ở thời điểm hiện tại sẽ trả được cho cha mẹ, nhưng cũng có thể khiến cô gái không thể học hỏi thêm được bên ngoài.

Ảnh minh hoạ.
Dưới đây là một số bình luận góp ý nổi bật:
– “Vẫn cần phải tăng thêm thu nhập bạn ạ, về lâu về dài mức thu nhập đó không đủ khi bạn có gia đình. Chưa kể sau này bạn cũng có thể còn phải phụng dưỡng ba mẹ nữa. Giờ tuổi còn trẻ còn có cơ hội học tập để nâng cao thì nên cố gắng”.
– “Sinh năm 1999 nghĩa là ra trường 4 năm rồi nhỉ. Nếu làm Marketing hiện tại thu nhập chỉ ở mức đấy thì mình nghĩ cũng đang ngang level fresher hoặc junior thôi. Mình nghĩ bạn nên tập trung cải thiện công việc của mình trước, học thêm các kỹ năng mới trong nghề để tăng cơ hội có thêm thu nhập. Còn nếu lương và thu nhập như vậy chỉ để chi trả tiền trọ và sinh hoạt và dư ra một chút thì một hai năm tới sẽ mông lung lắm đấy. Chi phí họp hội bạn bè đó mình nghĩ giảm một nửa đi, để một nữa vào đầu tư cho việc học nhé”.
– “Khoản đi chợ nhiều vậy bạn ơi. Nếu bạn ở xa quê thì nhờ mẹ mua thức ăn ở quê xách lên, vừa sạch sẽ mà tiết kiệm. Như mình mỗi tháng về đầu tháng nhờ mẹ mua hết có 1 triệu tiền thức ăn (đầy đủ chất: tôm, cá, mực, thịt, xương, chả mực,…. chất lượng mà không thiếu món gì), nấu ăn cả tháng vừa ăn buổi tối vừa mang đi làm ăn trưa. (Mình ở 1 mình nên 1 lần mang đồ lên ăn đc cả tháng luôn)
Bạn ăn sáng ở nhà sẽ tiết kiệm thêm được khoản này. Gội đầu gội ở nhà đi, sẽ tiết kiệm được nhiều mà bớt hại da đầu. Nếu đi gội vì thích được massage thì chịu khó học tự làm. Hạn chế ăn ngoài bạn ạ, vừa tiết kiệm thêm tiền mà cải thiện sức khỏe”.
– “Đối với phần chi tiêu trên, bạn cần: Thứ nhất, tìm cách tăng thu nhập lên gấp đôi hoặc hơn nữa, chi tiêu sẽ thoải mái hơn được một chút. Thứ 2, những khoản tiền cố định như tiền nhà, xăng, điện thoại, điện nước… không thay đổi được; thay vào đó cân đối lại những khoản tiền có tính linh hoạt như tiêu dùng cá nhân như đi chơi ăn uống, quần áo, gội đầu,…cắt giảm đến mức tối ưu.
Thứ ba, khoản chi tiêu trên của bạn còn thiếu khoản chăm sóc sức khoẻ và đầu tư cho bản thân tích luỹ kiến thức. Trong khi sức khoẻ là yếu tố quan trọng nhất luôn đó. Tóm lại, mình thấy về giải pháp trước mắt (số 2), giải pháp lâu dài (số 1). Bạn chỉ cần tăng thu nhập cá nhân và tối ưu được chi phí và thì sẽ thấy việc chi tiêu tài chính thoải mái và thoải mái hơn nhiều”.

Ảnh minh hoạ.
Nên tiết kiệm thế nào khi chưa lập gia đình?
Không bị ràng buộc bởi trách nhiệm gia đình, bạn có tự do để thử nghiệm và điều chỉnh cách sử dụng tiền sao cho vừa tận hưởng cuộc sống, vừa chuẩn bị cho những mục tiêu lớn như mua nhà, lập gia đình, hay nghỉ hưu sớm. Tuy nhiên, nếu không có kế hoạch rõ ràng, tiền bạc dễ “tan biến” vào những khoản chi không cần thiết.
1. Đánh giá thu nhập và hiểu rõ dòng tiền của bản thân
Bước đầu tiên để chi tiêu và tiết kiệm hiệu quả là hiểu rõ thu nhập và chi phí hiện tại của mình. Các bạn trẻ độc thân nên dành thời gian ghi chép tất cả nguồn thu nhập – từ lương chính, làm thêm, đến tiền thưởng – và liệt kê các khoản chi hàng tháng như thuê nhà, ăn uống, đi lại, giải trí.
Ví dụ, nếu bạn kiếm 15 triệu/tháng nhưng chi 12 triệu mà không biết tiền đi đâu, hãy theo dõi trong 1-2 tháng để nhận ra “lỗ hổng”. Dùng ứng dụng quản lý tài chính hoặc sổ tay đơn giản sẽ giúp bạn hình dung rõ dòng tiền, từ đó xác định đâu là khoản cần giữ, đâu là khoản có thể cắt giảm.
2. Lập ngân sách cá nhân
Với các bạn trẻ độc thân, một ngân sách linh hoạt như mô hình 50/30/20 là lựa chọn phổ biến: 50% thu nhập cho nhu cầu cơ bản (nhà ở, ăn uống, đi lại), 30% cho sở thích cá nhân (du lịch, mua sắm, giải trí), và 20% để tiết kiệm hoặc đầu tư.
Chẳng hạn, với 15 triệu/tháng, bạn có thể chi 7,5 triệu cho sinh hoạt, 4,5 triệu để tận hưởng, và để dành 3 triệu. Nếu muốn tiết kiệm nhiều hơn, bạn có thể điều chỉnh thành 50/20/30, giảm giải trí xuống 3 triệu và tăng tiết kiệm lên 4,5 triệu. Quan trọng là tìm ra tỷ lệ phù hợp với lối sống và mục tiêu cá nhân của bạn.

Ảnh minh hoạ.
3. Học cách chi tiêu và đầu tư thông minh để tối ưu hóa từng đồng
Chi tiêu thông minh là cách để các bạn trẻ vừa sống thoải mái, vừa có dư để tiết kiệm. Hãy bắt đầu bằng việc cắt giảm các khoản không cần thiết: Thay vì ăn ngoài mỗi ngày, tự nấu ăn 3-4 bữa/tuần; hoặc săn ưu đãi khi mua sắm online…
Độc thân là thời điểm lý tưởng để bắt đầu tiết kiệm và đầu tư, dù chỉ với số tiền nhỏ. Hãy trích ít nhất 20% thu nhập cho quỹ khẩn cấp – khoảng 3-6 tháng chi phí sinh hoạt – để phòng rủi ro như mất việc hoặc ốm đau. Với 3 triệu tiết kiệm mỗi tháng, bạn có thể gửi ngân hàng lấy lãi suất ổn định hoặc thử các hình thức đầu tư đơn giản như mua vàng, chứng khoán (nếu có kiến thức).
4. Tiêu tiền kỷ luật nhưng cũng linh hoạt
Cuối cùng, để chi tiêu và tiết kiệm hiệu quả, các bạn trẻ cần rèn luyện kỷ luật nhưng vẫn giữ sự linh hoạt. Đặt ra mục tiêu cụ thể – như tiết kiệm 50 triệu trong 2 năm để mua xe – sẽ tạo động lực để bạn tuân thủ ngân sách. Tuy nhiên, đừng quá khắt khe: Nếu lỡ chi quá tay cho một chuyến du lịch, hãy điều chỉnh bằng cách tiết kiệm nhiều hơn ở tháng sau.
Thường xuyên xem lại kế hoạch tài chính, chẳng hạn mỗi quý một lần, để đảm bảo nó vẫn phù hợp với thu nhập và nhu cầu. Sự cân bằng này không chỉ giúp bạn làm chủ tiền bạc mà còn tận hưởng tuổi trẻ một cách trọn vẹn.
Theo Thanh niên Việt
Copy link
Lấy link!
https://thanhnienviet.vn/thang-nao-cung-het-sach-soi-ki-bang-chi-tieu-cua-co-gai-26-tuoi-netizen-giat-minh-khong-het-moi-la-209250409185220013.htm
https%3A%2F%2Fcafebiz.vn%2Fthang-nao-cung-het-sach-soi-ki-bang-chi-tieu-cua-co-gai-26-tuoi-netizen-giat-minh-khong-het-moi-la-176250410021050093.chn