Nơi nhộn nhịp, nơi giảm mua
Tổng quan mặt bằng giá cả thị trường và diễn biến giá cả tại một số địa phương trước Tết và trong Tết. Thời điểm cận Tết, nhu cầu mua sắm phục vụ sản xuất, chế biến thực phẩm bán dịp Tết Nguyên đán cũng như dịch vụ ăn uống nhà hàng cuối năm tăng lên nhưng giá các mặt hàng thiết yếu về cơ bản không có biến động lớn do nguồn cung dồi dào.
Về tình hình thị trường những ngày Tết, theo báo cáo của một số địa phương, đồng thời thông qua công tác nắm bắt thông tin thị trường giá cả của Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho thấy giá hàng hóa, tiêu dùng thiết yếu về cơ bản không có biến động bất thường.
Giá một số hàng hóa tăng nhẹ tập trung chủ yếu ở nhóm mặt hàng phục vụ nhu cầu thờ cúng và tiêu dùng trong dịp Tết như hoa tươi, các loại quả và một số mặt hàng thủy hải sản, gia súc, gia cầm, rau củ; giá các mặt hàng thiết yếu khác tại các siêu thị, trung tâm thương mại về cơ bản ổn định. Nguồn cung hàng hóa dồi dào, đa dạng, nhiều mẫu mã đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân.
Theo đại diện Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, một số mặt hàng như rau xanh, thực phẩm tại chợ truyền thống không xảy ra hiện tượng tăng giá có tác động từ việc các hệ thống siêu thị duy trì hoạt động xuyên Tết, luôn sẵn sàng đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân khi các chợ truyền thống tạm nghỉ Tết.
Thống kê của Cục Quản lý giá cho biết, tại Hà Nội trong thời điểm trước Tết, nhu cầu mua sắm tại Thủ đô tăng cao, người dân hầu hết tập trung mua sắm vào các ngày 28, 29 Tết. Do tâm lý người dân đã mua sắm đủ dùng trong mấy ngày Tết. Do vậy, sáng ngày mùng 3 Tết, tại một số chợ dân sinh khu vực Thái Thịnh – Đống Đa, hàng hóa ở chợ vẫn rất ít, tuy nhiên mặt hàng rau củ quả lại có xu hướng giảm.
Ghi nhận ngày mùng 5 Tết Ất Tỵ tại hệ thống chợ truyền thống như chợ Thành Công, Kim Liên, Ngã Tư Sở cho thấy, các mặt hàng thực phẩm, rau xanh không có hiện tượng tăng giá đột biến, hàng hoá đã trở lại giá ngày thường.
Cùng trong khoảng thời gian này tại Thành phố Hồ Chí Minh, báo cáo của Cục Quản lý giá cho thấy sức mua tăng ở các chợ dân sinh, người dân tập trung mua sắm chủ yếu là rau, củ, quả, trái cây, hoa tươi, thực phẩm tươi sống, giá các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm giảm giá và dần trở lại mức giá ngày thường.
Trong khi đó tại Đà Nẵng, tới ngày Mùng 3 một số hộ kinh doanh đã bắt đầu mở cửa bán hàng đầu năm nhưng lượng người mua sắm tại các chợ thưa thớt, sức mua giảm so với trước Tết. Còn tại Cần Thơ, tình hình kinh doanh buôn bán tại các chợ đã sôi động từ ngày Mùng 3 Tết dân với nhóm mặt hàng phục vụ cúng theo truyền thống gà vườn, hoa, trái cây…
Qua báo cáo của các địa phương khác trên cả nước (Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nam, Lạng Sơn ): về cơ bản cung cầu, giá cả hàng hóa, dịch vụ tại các địa phương đều diễn ra theo quy luật hàng năm và không có đột biến trong dịp Tết Nguyên đán.
Chợ dân sinh thua nặng nề về chương trình khuyến mại
Chia sẻ với phóng viên Dân Việt, nguyên Phó giám đốc Sở Thương mại, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội Vũ Vinh Phú nhận định tình hình thị trường qua 1 tháng phục vụ tết đã diễn ra tương đối suôn sẻ về giá cả ổn định, chất lượng. Các lực lượng thuộc sở công thương, Quản lý thị trường, y tế.. ra quân đồng bộ nên không để xảy ra vụ việc lớn nào liên quan đến gian lận thương mại, hàng giả..
Tuy nhiên, theo chuyên gia Vũ Vinh Phú vẫn còn những mặt chưa được, ví dụ như ở các chợ lẻ, do lực lượng chức năng mỏng, không quản lý được nên giá thành đôi lúc bùng phát, đặc biệt ở nhóm hàng hoá thực phẩm tươi sống. Thứ hai là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn khiến người dân chưa thực sự an tâm, công tác truy xuất nguồn gốc vẫn chưa được chú ý ở kênh thương mại này, đây là vấn đề vẫn đều đặn xảy ra trong dịp Tết, do đó các cơ quan có trách nhiệm vẫn cần tiếp tục khắc phục.
Mặc khác, dù năm nay công tác kiểm soát thị trường qua các báo cáo là ổn định nhưng vẫn cần rút kinh nghiệm, về lâu dài không được chủ quan. Cần đánh giá tình hình sức mua, kinh tế. Đặc biệt, ngành công thương phải tổ chức họp rút kinh nghiệm mặt nào được, chưa được. Cũng như có đánh giá đơn vị làm tốt và chưa tốt bằng số liệu thống kê cụ thể.
Nói về vấn đề doanh số ở chợ bị sụt giảm do người dân thường lựa chọn mua hàng qua thương mại điện tử hoặc siêu thị, vì các kênh này có nhiều chương trình khuyến mại hấp dẫn hơn. Ngoại trừ thực phẩm tươi sống, rau, củ, quả còn đủ sức níu chân khách hàng, những mặt hàng khác dần mất đi tính cạnh tranh. Ông Phú đánh giá đây là xu hướng thông thường của thị trường và đã diễn ra trong vài năm trở lại đây chứ không phải mới phát sinh.
Nhận định này phù hợp với Báo cáo của Bộ Tài chính, theo đó thị trường không có hiện tượng khan hàng, sốt giá. Người dân đang thay đổi thói quen sang mua sắm tiết kiệm, chi tiêu hợp lý trong dịp Tết.
Xu hướng rõ nét trong mùa Tết năm nay là sự chuyển dịch mạnh mẽ từ mua sắm trực tiếp sang mua sắm trực tuyến. Hoạt động chợ online trên các nền tảng số từ TikTok, Facebook, Zalo luôn rộn ràng với nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá cuối năm, phong phú về chủng loại hàng hóa, giá cả, tạo sức hút không nhỏ với người tiêu dùng.
Về hiện tượng những ngày đầu năm sức mua tại chợ dân sinh ở hai thành phố lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh có mức tăng giảm khác nhau, ông Phú cho biết, “Qua truyền thông tôi thấy có hiện tượng người dân tại thành phố Hồ Chí Minh sau Tết vào siêu thị nhưng không có thực phẩm thịt, cá, vì vậy đây có thể là lý do khiến họ quay lại chợ dân sinh”.
Chia sẻ với phóng viên, chị Nguyễn Thị Tuyền (Long Biên, Hà Nội) cho biết những ngày về quê nghỉ Tết, do không có siêu thị nên chị vẫn mua hàng tại chợ dân sinh. Tuy nhiên nếu có quyền lựa chọn, chị sẽ ưu tiêu mua ở siêu thị, do hàng hoá tại đây có nguồn gốc rõ ràng nên yên tâm hơn.
https%3A%2F%2Fdanviet.vn%2Fsuc-mua-tai-cho-dan-sinh-bi-tiktok-facebook-ap-dao-20250203012026754.htm