Mạng xã hội không tuân thủ có thể bị dừng hoạt động
Sáng 12.11, nêu câu hỏi chất vấn Bộ trưởng TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng, đại biểu Trần Thị Thu Hằng (đoàn Đắk Nông) nêu tình trạng quảng cáo không đúng gây hiểu nhầm, thậm chí có thể là lừa đảo, bất hợp pháp chủ yếu trên môi trường mạng và thường gắn với thương mại điện tử.
Cùng đó, quảng cáo xuyên biên giới rất nhiều, gây tổn hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của nhiều cá nhân, tổ chức và có thể gây phương hại an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.
Bà Hằng đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết các giải pháp tổ chức và triển khai thực hiện những pháp luật đã có để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên.
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ, hiện nay, các ngành, các cấp ngoài đời thực quản lý cái gì thì phải lên không gian mạng quản lý cái đó, không còn cách nào khác.
“Khi phát hiện ra những sai phạm cần phải xác định danh tính, cần phải ngăn chặn thì Bộ TT-TT có đủ các công cụ để làm việc này”, ông Hùng nói.
Theo Bộ trưởng TT-TT, các nền tảng xuyên biên giới, kể cả chưa có đại diện tại Việt Nam, khi làm ăn kinh doanh tại Việt Nam là phải tuân thủ luật pháp Việt Nam. “Nếu không tuân thủ là chúng ta có đủ năng lực để dừng toàn bộ hoạt động”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh và khẳng định, “phải nhà nào, nhà nấy quản phần của mình thì không gian mạng mới lành mạnh được”.
Ông Hùng so sánh, các nền tảng xuyên biên giới kinh doanh ở Việt Nam giống như chợ. “Ông là chủ chợ phải làm sạch chợ, tức ông phải làm sạch ông. Để họ tự làm sạch được thì trách nhiệm của các cơ quan liên quan, bộ, ngành liên quan là định nghĩa được quảng cáo nào vi phạm một cách tường minh. Khi định nghĩa tường minh thì Bộ TT-TT sẽ yêu cầu các nền tảng này phát triển các công cụ để rà quét, tự tháo gỡ và đây là trách nhiệm của họ”, ông Hùng phân tích.
Không gian số còn mới lạ với nhiều người
Đại biểu Nguyễn Duy Thanh (đoàn Cà Mau) thì cho biết tình trạng tin giả, tin sai sự thật trên mạng xã hội, gây nhiễu loạn, tạo ra những hệ lụy tiêu cực, bức xúc trong dư luận và xã hội, vừa cạnh tranh khốc liệt với báo chí chính thống cả về thông tin và doanh thu.
“Xin bộ trưởng cho biết, với vai trò quản lý nhà nước, bộ trưởng có phương án nào để quản lý mạng xã hội?”, đại biểu chất vấn.
Phúc đáp đại biểu, Bộ trưởng TT-TT nói quản lý mạng xã hội chống tin giả, tin sai sự thật không chỉ là vấn đề của Việt Nam mà mang tính toàn cầu. Về giải pháp, đầu tiên là phải hoàn thiện thể chế.
Ông Hùng cho hay, trước đây, các quy định chỉ mới xử lý các cá nhân sử dụng mạng xã hội khi đưa thông tin sai sự thật, tin giả. “Trong một nghị định mới được ký cách đây chưa được 1 tuần, chúng ta đã đưa vấn đề xử lý các nền tảng xã hội khi vi phạm luật pháp”, ông Hùng thông tin.
Một giải pháp khác, trước đây chúng ta nghĩ nhiều đến việc đây là trách nhiệm quản lý nhà nước nhưng thực ra trách nhiệm lớn phải là đối với các nền tảng xã hội.
“Họ có không gian riêng, họ có thuê bao riêng mà không chỉ là số ít, hàng chục triệu, hàng trăm triệu hoặc hàng tỉ người dùng. Do đó, họ phải có trách nhiệm rà quét, phát hiện, tự động gỡ bỏ các thông tin sai sự thật và thông tin xấu, độc”, ông nói.
Cùng đó, ông Hùng cho rằng, con người đã sống trong thế giới thực hàng chục nghìn năm nhưng vẫn còn nhiều tồn tại, nên không gian số mới được 10 – 20 năm còn mới lạ với nhiều người, việc thích nghi cần thời gian. Vì vậy, người đứng đầu ngành TT-TT cho rằng cần tăng cường công tác truyền thông và giáo dục để giúp người dân đề kháng trên không gian số, nâng cao kỹ năng nhận biết và phòng tránh thông tin sai lệch.
Việt Nam cấp phép gần 1.000 mạng xã hội
Liên quan mạng xã hội, đại biểu Nguyễn Minh Tâm (đoàn Quảng Bình) nhắc lại thời điểm đang là quyền bộ trưởng, Bộ trưởng TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng nhận định, nếu không có hệ sinh thái số, mạng xã hội của Việt Nam thì không có sức mạnh đàm phán với Google, Facebook. Họ sẽ tiếp tục không tuân thủ pháp luật Việt Nam, trong khi chúng ta không dám cắt dịch vụ.
Cho rằng đây là một chiến lược lớn và rất đúng để đảm bảo không phụ thuộc và cạnh tranh với các ông lớn như Google, Facebook, YouTube, đặc biệt đảm bảo chủ quyền an ninh mạng quốc gia, đại biểu đoàn Quảng Bình đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, chiến lược này lúc nào sẽ trở thành hiện thực, giải được bài toán hạn chế sức ảnh hưởng của các ông lớn như Facebook, Google và để mạng xã hội Việt Nam chúng ta phát triển.
Phúc đáp đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng thừa nhận, khi mới tạm quyền Bộ trưởng, ông đã nói không có thực lực, khó đàm phán. Theo ông Hùng, mạng xã hội có 2 mặt, có mặt rất tích cực vì người ta có thể trao đổi thông tin, người ta còn làm ăn trên đó.
“Nếu mình không có mạng xã hội thay thế thì liệu mình có cấm được không? Nếu mình có mạng xã hội tương xứng trong tay, có lực lượng trong tay thì ảnh hưởng trong quá trình đàm phán của mình với mạng xã hội nước ngoài sẽ tốt hơn”, ông phân tích.
Về tình hình phát triển mạng xã hội của Việt Nam, ông cho biết, hiện Việt Nam đã cấp phép gần 1.000 mạng xã hội, trong đó có khoảng 20 mạng lớn.
“Các mạng xã hội Việt Nam hiện nay cộng lại thì số người dùng tương đương và cao hơn so với các mạng xã hội lớn như Facebook, YouTube, TikTok… Đó là chưa kể chúng ta còn phát triển 38 nền tảng số quốc gia khác để phục vụ các hoạt động khác. Nếu tính cả 38 trên nền tảng này đã đi vào hoạt động thì số lượng người dùng của chúng ta còn lớn hơn nữa”, ông Hùng nói.
https%3A%2F%2Fthanhnien.vn%2Fbo-truong-tt-tt-so-nguoi-dung-1000-mang-xa-hoi-viet-nam-cong-lai-bang-facebook-tiktok-185241112153359577.htm