Cuộc vận động (CVĐ) “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được triển khai sâu rộng trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần thay đổi nhận thức và hành vi ưu tiên sử dụng hàng Việt của người dân. Người tiêu dùng ở vùng sâu, vùng xa ngày càng được tiếp cận đa dạng chủng loại hàng hóa sản xuất trong nước, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, chất lượng bảo đảm, giá thành hợp lý.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh Quảng Bình có 141 chợ, 8 siêu thị, 1 trung tâm thương mại, trong đó hơn 85% hàng hóa thiết yếu có xuất xứ trong nước. So với những năm trước, độ phủ sóng của hàng Việt tại các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh ngày càng được mở rộng. Các khu chợ, siêu thị, cửa hàng tự chọn, cửa hàng tạp hóa… bày bán đa dạng các mặt hàng có nguồn gốc Việt Nam, phục vụ đủ nhu cầu mua sắm của người dân.
Bên cạnh đó, các sản phẩm OCOP của Quảng Bình đang có tiềm năng phát triển mạnh mẽ nhờ vào sự hỗ trợ của chương trình OCOP, với các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng, giúp sản phẩm được xuất khẩu và tiêu thụ rộng rãi hơn.
Chương trình OCOP tại Quảng Bình đã góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Các sản phẩm OCOP không chỉ mang đậm bản sắc địa phương mà còn khẳng định được vị thế trên thị trường trong và ngoài nước. Qua đó, người dân Quảng Bình có thêm cơ hội phát triển nghề nghiệp và cải thiện đời sống, đồng thời giúp phát triển kinh tế bền vững cho tỉnh nhà.
Để hàng Việt Nam chất lượng cao đến với người tiêu dùng, năm 2024, trên địa bàn tỉnh, Sở Công Thương đã phối hợp tổ chức nhiều hội chợ với sự tham gia của hàng trăm Doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở SXKD trong và ngoài tỉnh tham gia. Điển hình như hội chợ Công thương khu vực Bắc Trung bộ – Quảng Bình 2024, hội chợ Xuân Quảng Bình năm 2024… Tại các hội chợ, các sản phẩm hàng hóa mang thương hiệu Việt được bày bán bắt mắt, thông tin sản phẩm đầy đủ, phong phú, đa dạng, chất lượng sản phẩm tốt, phù hợp thị hiếu người tiêu dùng.
Theo Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công thương Nguyễn Ngọc Hải cho biết: Hưởng ứng tích cực CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, hàng năm Sở đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức từ 3-5 hội chợ đưa hàng Việt về miền núi, nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Thông qua các hội chợ đã tạo điều kiện cho các DN, hợp tác xã, cơ sở SXKD trưng bày, bán các sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ Việt Nam đến người dân bảo đảm chất lượng, giá cả phù hợp, góp phần ổn định thị trường nội địa.
Thời gian tới, Sở sẽ chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, tổ chức hội chợ thương mại lồng ghép các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn nhằm tạo điều kiện cho các DN quảng bá hình ảnh, uy tín thương hiệu Việt, xây dựng, mở rộng hệ thống phân phối hàng Việt. Đồng thời, giúp người dân tiếp cận được với hàng hóa Việt Nam chất lượng cao, bảo đảm lợi ích, nhu cầu mua sắm an toàn cho người dân.
Hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, những năm gần đây, việc đưa hàng Việt về nông thôn đã được các sở, ngành địa phương quan tâm và chú trọng. Hoạt động này không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp trong nước đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh mà còn giúp người tiêu dùng nông thôn được tiếp cận với hàng Việt Nam chất lượng cao, có giá thành hợp lý.
Cuộc vận động này bắt đầu từ năm 2009 và đã được triển khai mạnh mẽ thông qua các chiến dịch truyền thông, chương trình khuyến mại, sự kiện quảng bá sản phẩm Việt Nam. Trong thời gian qua, cuộc vận động đã tạo ra những thay đổi tích cực trong nhận thức của người dân và sự phát triển của nhiều ngành sản xuất trong nước, đặc biệt là ngành thực phẩm, hàng tiêu dùng, và các sản phẩm điện tử.
Thái Bình
https%3A%2F%2Fdoanhnghieptiepthi.vn%2Fquang-binh-tich-cuc-quang-ba-dua-hang-viet-den-tung-khu-dan-cu-161241203144928632.htm