Sau khi nước rút, cùng với công tác khắc phục hậu quả bão lũ, các địa phương tập trung xử lý môi trường, chủ động phòng, chống dịch bệnh sau lũ.
Huyện Lệ Thủy là địa phương chịu thiệt hại nặng nhất trong đợt mưa lũ vừa qua với hơn 19.000 nhà dân bị ngập nước từ 2 – 4m. Với phương châm “nước lũ rút đến đâu tiến hành làm vệ sinh, xử lý môi trường đến đó”, Trung tâm Y tế các huyện Lệ Thủy cung cấp thuốc men, hóa chất cho trạm y tế địa phương. Các Trạm y tế tập trung hướng dẫn người dân khử khuẩn nguồn nước sinh hoạt, vệ sinh môi trường nhà ở, không để bùng phát dịch bệnh.
Bác sỹ Hồ Thị Nguyệt, Trưởng trạm Y tế xã Thanh Thủy (huyện Lệ Thủy) cho biết, sau khi nước rút, trạm huy động cán bộ, nhân viên cùng sự hỗ trợ của lực lượng vũ trang tổng dọn vệ sinh môi trường trong và ngoài trạm. Đồng thời, trạm tiến hành khử khuẩn ở phòng khám, phòng điều trị bệnh và chuẩn bị đầy đủ thuốc men, vật tư y tế, đảm bảo công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân bình thường trở lại.
Cán bộ y tế tích cực tuyên truyền, vận động các gia đình chủ động và tích cực phòng, chống các loại dịch bệnh sau lũ; tổ chức diệt loăng quăng tại thôn xóm, nhà ở, không chủ quan với dịch bệnh. Đặc biệt, chú trọng địa bàn là vùng rốn lũ, vùng có ổ dịch cũ có nguy cơ bùng phát dịch.
Theo ông Nguyễn Công Quân, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Lệ Thủy, đơn vị xác định công tác phòng, chống dịch bệnh sau bão lụt là nhiệm vụ quan trọng trong công tác bảo vệ sức khỏe nhân dân. Bởi khi nước lũ rút thường để lại những lớp bùn dày, rác thải, xác súc vật chết… gây ô nhiễm môi trường, nguồn nước, dễ phát sinh dịch bệnh. Trung tâm Y tế huyện chỉ đạo các trạm y tế xã hướng dẫn người dân xử lý nguồn nước sinh hoạt và cách phòng, chống dịch bệnh sau lũ lụt, đảm bảo sức khỏe người dân.
Những ngày qua, lãnh đạo ngành Y tế Quảng Bình trực tiếp đi kiểm tra, giám sát và hỗ trợ các đơn vị y tế hai huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy thực hiện biện pháp phòng, chống dịch bệnh sau khi nước rút. Đồng thời, yêu cầu các trung tâm y tế huyện và các trạm y tế xã không được chủ quan với các loại dịch bệnh sau lũ; tập trung kiểm soát địa bàn, không để dịch bệnh sau lũ bùng phát diện rộng.
Ông Đỗ Quốc Tiệp, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Bình cho biết, trước mắt, đơn vị hỗ trợ Cloramin B đầy đủ; chỉ đạo dọn dẹp vệ sinh, khử khuẩn, làm sạch môi trường phòng chống dịch bệnh tại hai huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy.
Thời gian qua, song song với các hoạt động về phòng, chống dịch bệnh, công tác khám, chữa bệnh, sơ cứu, cấp cứu cho người dân trong và sau lũ đều được các bệnh viện thực hiện tốt. Hiện ngành Y tế Quảng Bình tập trung xây dựng kế hoạch giám sát chặt chẽ ổ dịch cũ, kiểm soát không để ổ dịch mới bùng phát, tăng cường phun hóa chất diệt muỗi và diệt bọ gậy tại vùng nguy cơ cao.
Theo dự báo của ngành chức năng, tại Quảng Bình, tình hình mưa bão còn diễn biến phức tạp thời gian tới. Ngành Y tế yêu cầu các đơn vị trực thuộc tiếp tục lên kế hoạch đảm bảo công tác sơ cấp cứu, hỗ trợ người dân trong bão. Đồng thời, sẵn sàng ưu tiên thuốc men, hóa chất phòng, chống dịch bệnh sau lũ, không để dịch bệnh bùng phát.
https%3A%2F%2Fbaotintuc.vn%2Fdia-phuong%2Fquang-binh-chu-dong-phong-chong-dich-benh-sau-lu-20241105110614974.htm