Quốc hội Mỹ hồi tháng 4 thông qua luật bắt buộc công ty ByteDance (Trung Quốc) phải thoái vốn khỏi TikTok trước ngày 19.1.2025, nếu không, nền tảng chia sẻ video này sẽ bị cấm tại Mỹ. Luật được Tổng thống Joe Biden ký ban hành sau đó.
TikTok và ByteDance đã tìm mọi cách để luật này bị bãi bỏ và Tòa án Tối cao Mỹ mới đây tiếp nhận xử lý vụ án. Tòa sẽ nghe các bên trình bày lý lẽ vào ngày 10.1.2025, chỉ cách hạn chót theo luật vài ngày.
Luật sư D. John Sauer của ông Trump, người đã được đề cử làm Tổng biện lý Mỹ, ngày 27.12 nói rằng tổng thống đắc cử không đưa ra quan điểm về tính đúng sai của vụ việc nhưng đã đề nghị tòa án cân nhắc gia hạn hạn chót sau ngày 19.1.2025 để “cho phép chính quyền sắp tới của Tổng thống Trump có cơ hội tìm kiếm một giải pháp chính trị cho các câu hỏi trong vụ kiện”, theo Reuters.
“Tổng thống Trump sở hữu chuyên môn đàm phán hoàn hảo, ủy nhiệm của cử tri và ý chí chính trị để đàm phán một giải pháp nhằm cứu nền tảng này trong khi giải quyết các lo ngại an ninh quốc gia”, luật sư Sauer nói.
Trong kiến nghị gửi tòa án ngày 27.12, ông Trump nói không ủng hộ bên nào nhưng với tư cách là tổng thống thứ 47, ông có lợi ích và trách nhiệm cho các vấn đề an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại, là đại diện đúng đắn của hiến pháp để giải quyết tranh chấp thông qua phương tiện chính trị.
“Thông qua chiến thắng lịch sử ngày 5.11.2024, Tổng thống Trump nhận sự ủy nhiệm mạnh mẽ từ cử tri Mỹ để bảo vệ quyền tự do ngôn luận của toàn bộ người Mỹ, gồm 170 triệu người sử dụng TikTok”, Fox News trích kiến nghị của phía ông Trump cho biết.
Ông Trump hồi năm 2020 tìm cách cấm TikTok và buộc phải bán cho các công ty Mỹ vì cáo buộc nền tảng này được sở hữu tại Trung Quốc. Tuy nhiên, trong chiến dịch tranh cử năm nay, ông đã mở tài khoản trên TikTok và đảo ngược quan điểm đối với mạng xã hội này.
Ông Trump sẽ rút Mỹ ra khỏi WHO vào năm 2025
Theo Reuters, ông Trump hồi tháng 12 gặp Tổng giám đốc TikTok Shou Zi Chew, vài giờ sau khi tổng thống đắc cử nói ông có thiện cảm với TikTok và ủng hộ cho phép nền tảng này tiếp tục hoạt động tại Mỹ thêm một thời gian.
Bộ Tư pháp Mỹ cho rằng Trung Quốc kiểm soát TikTok, do đó đặt ra mối đe dọa cho an ninh quốc gia Mỹ. TikTok bác bỏ cáo buộc, nói rằng công cụ đề xuất nội dung và dữ liệu người dùng của nền tảng được lưu trữ tại Mỹ trong khi các quyết định điều phối nội dung ảnh hưởng người dùng Mỹ cũng được đưa ra tại Mỹ.
Các nhà hoạt động tự do ngôn luận phản đối luật cấm trong khi hầu hết nghị sĩ Mỹ ủng hộ. Ngày 27.12, 22 tổng chưởng lý của các tiểu bang Mỹ gửi kiến nghị lên Tòa án Tối cao kêu gọi giữ nguyên luật cấm.
https%3A%2F%2Fthanhnien.vn%2Fong-trump-doi-quyen-quyet-dinh-so-phan-tiktok-185241228080327205.htm