(QBĐT) – Do ảnh hưởng của mưa lũ, trên địa bàn huyện Tuyên Hóa đã xuất hiện hàng chục. vị trí có nguy cơ sạt lở ở núi, bờ sông, suối. Sạt lở không chỉ gây nguy cơ cuốn trôi đất sản xuất, ảnh hưởng đến nhà cửa của người dân mà còn đe dọa tính mạng, khiến hàng trăm hộ dân trên địa bàn không khỏi lo âu.
Theo thống kê của UBND huyện Tuyên Hóa, trên địa bàn hiện có 21 vị trí sạt lở, có nguy cơ sạt lở núi với tổng diện tích bị ảnh hưởng trên 26ha, ảnh hưởng đến 214 hộ dân với 772 nhân khẩu. Ngoài ra, toàn huyện có 14 vị trí dọc bờ sông, suối sạt lở và có nguy cơ sạt lở với diện tích trên 6,5ha, ảnh hưởng đến cuộc sống, sản xuất, nhà cửa của 129 hộ dân với 495 nhân khẩu. Tình trạng sạt lở xuất hiện nhiều ở các xã ven sông Gianh, như: Đức Hóa, Thanh Hóa, Thuận Hóa, Đồng Hóa, Văn Hóa, Châu Hóa…
Trong số đó, đồi Phòng Không, thôn Đồng Lâm, xã Đức Hóa có nguy cơ sạt lở rất cao, đe dọa đến tính mạng và tài sản của nhân dân. Quả đồi này cao khoảng 170m. Điểm sạt lở cách vườn, nhà ở của các hộ gia đình khoảng 70-90m. Hiện, khu vực này có 60 thửa đất ở, 1 trường tiểu học, 53 nhà ở (trong đó có 13 nhà nằm trong vùng nguy cơ cao bị sạt lở, 1 nhà văn hóa thôn và 7 thửa đất chưa có nhà ở). Tổng diện tích khu vực nguy cơ sạt lở khoảng 2,5ha thuộc rừng trồng của nhiều hộ gia đình tại thôn Đồng Lâm với diện tích khoảng 29,66ha.
|
Phó Chủ tịch UBND xã Đức Hóa Nguyễn Đức Lợi cho biết: “Đồi Phòng Không bắt đầu rạn nứt từ trận lũ tháng 10/2020. Thời điểm đó, mưa lớn kéo dài nhiều ngày làm cho kết cấu đất đá ở đồi tích tụ lượng nước lớn gây ra vết nứt rộng từ 3-5m có nơi khoảng 8m, kéo dài khoảng 300m. Từ năm 2020 đến nay, khu vực này không có hiện tượng nứt, sạt mới xảy ra nhưng nguy cơ sạt lở vẫn rất cao, đe dọa đến tính mạng và tài sản của nhân dân. Do vậy, mỗi khi mưa lũ, UBND xã đều phải sơ tán dân dưới chân đồi, thường xuyên kiểm tra để có phương án xử lý. Ngoài ra, đồi Động Đót, Động Trai ở thôn Cồn Cam trên địa bàn xã với diện tích khoảng 9ha cũng có nguy cơ sạt lở, đe dọa đến tính mạng, tài sản của 37 hộ dân, 122 nhân khẩu”.
Ông Đinh Xuân Diệm, ở thôn Đồng Lâm, xã Đức Hóa có nhà ở dưới chân đồi Phòng Không lo lắng: “Mỗi khi mưa to kéo dài, tôi và bà con trong thôn sống trong cảnh sợ hãi. Bởi ngọn đồi phía sau nhà có thể đổ sụp xuống bất cứ lúc nào, đe dọa đến tính mạng, tài sản của chúng tôi. Mỗi lần như thế, bà con phải di dời đến nơi khác để tạm trú, khi thấy hết mưa mới quay về nhưng vẫn cảm thấy bất an”.
Mới đây, UBND huyện Tuyên Hóa đã tổ chức hội nghị bàn giải pháp xử lý điểm nguy cơ sạt lở cao tại đồi Phòng Không, thôn Đồng Lâm, xã Đức Hóa. Tại hội nghị, đa số các ý kiến cho rằng, phương án hạ độ cao đồi và làm bạt ta luy chống xói lở là khả thi và hiệu quả cao nhất. Để thực hiện phương án, huyện sẽ xây dựng kế hoạch cụ thể trình UBND tỉnh. Trước mắt, UBND huyện Tuyên Hóa sẽ đề xuất kinh phí để khảo sát, thăm dò địa chất. Từ kết quả đó mới bàn và đề xuất phương án tối ưu nhất để xử lý điểm nguy cơ sạt lở cao này. |
Tại xã Thanh Hóa, hàng chục hộ dân ở thôn 1 và thôn 4 Bắc Sơn, thôn 2 và thôn 5 Thanh Lạng cũng đang sống trong lo âu vì sạt lở và nguy cơ sạt lở núi. Anh Hoàng Minh Ngọc, ở thôn 4 Bắc Sơn cho biết: “Nhà tôi ở dưới chân đồi Cây Cam nhiều năm. Trước đây, ngọn đồi này khá ổn định, không có vết nứt hay sạt lở. Tuy nhiên, từ khi bà con trong xóm múc đất làm nhà dưới chân đồi thì tình trạng sạt lở đã xảy ra. Năm 2023, sau một trận mưa lớn kéo dài, hàng chục khối đất đá sạt xuống, lấp hết tường phía sau nhà tôi nhưng rất may không ảnh hưởng về người”.
Ông Hoàng Quốc Lập, ở thôn 4 Bắc Sơn kể: “Mỗi khi mưa to kéo dài, đất đá từ trên núi sạt xuống lấp cây cối và ảnh hưởng đến quá trình sản xuất của gia đình tôi. Mỗi lần như thế là cả nhà phải khăn gói đến nhà người thân ở nhờ. Khi hết mưa, về lại nhà nhưng cũng thấy rất bất an vì nguy cơ sạt lở có thể xảy ra bất cứ lúc nào”. Hiện, xã Thanh Hóa có 18 hộ dân với 58 khẩu tại 4 thôn có nguy bị cơ ảnh hưởng bởi sạt lở núi; trong đó, 12 hộ dân sống dưới chân núi dọc đường Hồ Chí Minh ở thôn 4 Bắc Sơn có nguy cơ bị sạt lở rất cao.
Chủ tịch UBND xã Thanh Hóa Trần Nhân Sơn cho hay: “Mỗi khi có mưa to kéo dài, xã phải tổ chức cho người dân sống ở vùng có nguy cơ sạt lở đến hội trường các thôn hoặc nhà người thân để bảo đảm an toàn. Về lâu dài, UBND xã cũng đang tính đến phương án quy hoạch đất ở để di dời dân hoặc đề xuất lên cấp trên bạt các ngọn núi vùng có nguy cơ cao sạt lở”.
|
Phó Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa Đinh Tiến Dũng cho biết: “Hàng năm, UBND huyện đã tập trung chỉ đạo, rà soát các điểm sạt lở, có nguy cơ cao sạt lở núi, bờ sông, suối để có phương án xử lý phù hợp. Trước mắt, huyện bố trí một phần ngân sách địa phương để sửa chữa, nâng cấp, khắc phục khẩn cấp các công trình bị ảnh hưởng do thiên tai gây ra; chỉ đạo các xã, thị trấn tạm thời sơ tán người dân vùng nguy hiểm khi có mưa lớn kéo dài. Riêng các phương án di dân tái định cư, xây dựng công trình chống sạt lở, hạ độ cao các quả đồi… cần nguồn kinh phí rất lớn nên huyện rất mong tỉnh, Trung ương có giải pháp hỗ trợ”.
Xuân Vương
https://www.baoquangbinh.vn/xa-hoi/202410/noi-lo-sat-lo-mua-mua-lu-2221792/
Địa chỉ Mua Điện thoại iphone, Macbook, Ipad, Apple Watch chính hãng Uy tín nhất, dẫn đầu, được số đông khách hàng chọn lựa: Thế Giới Di Động 127 Trần Hưng Đạo (đối diện Bến xe TP Đồng Hới), tỉnh Quảng Bình