Tòa án Tối cao Mỹ đang lắng nghe các lập luận để quyết định số phận của TikTok tại Mỹ. Trước lệnh cấm, một ứng dụng khác cũng của Trung Quốc đã bất ngờ vươn lên đứng đầu bảng xếp hạng tải xuống miễn phí trên App Store: Xiaohongshu, hay còn gọi là Tiểu Hồng Thư – một nền tảng mạng xã hội kết hợp thương mại điện tử của Trung Quốc.
Nhiều nhà sáng tạo nội dung, vốn kiếm tiền từ các video TikTok thông qua Quỹ Hỗ trợ Nhà sáng tạo (Creator Fund) của nền tảng này, đang tìm kiếm “ngôi nhà” mới để xây dựng lại cộng đồng người theo dõi. Một số nhà sáng tạo trên TikTok – được gọi là “người tị nạn TikTok” – đang lựa chọn Tiểu Hồng Thư như một giải pháp thay thế tiềm năng để lấp khoảng trống mà TikTok để lại.
Ứng dụng được tải xuống nhiều thứ hai hiện nay là Lemon8, được ca ngợi như một lựa chọn thay thế tiềm năng khác cho TikTok. Tuy nhiên, có một vấn đề lớn: Lemon8 cũng thuộc sở hữu của ByteDance. Theo luật sắp được ban hành để thực thi lệnh cấm TikTok, bất kỳ công ty con nào của ByteDance cũng sẽ không được phép hoạt động tại Mỹ.
Ngược lại, Tiểu Hồng Thư không có liên quan đến ByteDance. Công ty này được sáng lập bởi Miranda Qu và Charlwin Mao vào năm 2013, hiện là một trong những nền tảng mạng xã hội hàng đầu Trung Quốc với 300 triệu người dùng hoạt động hàng tháng và 140.000 thương hiệu hợp tác. Tại vòng gọi vốn vào tháng 7/2024, nền tảng này được định giá 17 tỷ USD với các khoản đầu tư từ DST Global. Bloomberg báo cáo vào tháng 12/2024 rằng Tiểu Hồng Thư đang trên đà vượt mốc doanh thu 1 tỷ USD trong năm 2024.
Theo báo cáo năm 2023 của nền tảng tiếp thị PJdaren về tình hình influencer tại Trung Quốc, Tiểu Hồng Thư đứng đầu trong các nền tảng mạng xã hội về tiếp thị người ảnh hưởng (influencer marketing). Cụ thể, 59% thương hiệu cho rằng Tiểu Hồng Thư là nền tảng mang lại hiệu quả lớn nhất trong việc xây dựng thương hiệu, vượt qua cả Weibo, Douyin (phiên bản TikTok của Trung Quốc) và WeChat.
Một cái tên khác đang thu hút sự chú ý là Neptune, một nền tảng mạng xã hội do phụ nữ sáng lập. Vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm thử nghiệm, nền tảng này có trụ sở tại Mỹ, được thiết kế dành riêng cho các nhà sáng tạo nội dung, hứa hẹn mang đến các thuật toán thân thiện với cộng đồng và cơ hội kiếm tiền hấp dẫn.
LIỆU TIKTOK CÓ THỂ THAY THẾ?
Mặc dù phần lớn nội dung trên Tiểu Hồng Thư vẫn bằng tiếng Trung, người dùng TikTok đã nhận thấy rằng ngày càng nhiều tính năng của nền tảng này có thể dịch sang tiếng Anh. Tuy nhiên, hiện tại, nhiều phần của ứng dụng vẫn sử dụng tiếng Quan Thoại. Việc ứng dụng chủ yếu dùng ký tự Trung Quốc là một thách thức mới, nhưng giao diện tương tự TikTok sẽ giúp người dùng dễ làm quen hơn với Tiểu Hồng Thư.
Dù vậy, Tiểu Hồng Thư có trụ sở tại Trung Quốc, đồng nghĩa với việc nền tảng này cũng có khả năng phải đối mặt với các hành động từ chính phủ, tương tự như cách TikTok đang bị giám sát. Một chuyên gia mạng xã hội nhận định: “Với tình hình đó, việc chuyển hướng sang nền tảng này có thể mang lại giá trị trong ngắn hạn, nhưng các thương hiệu và nhà sáng tạo có thể cần tiếp tục thay đổi chiến lược sau này. Vì có nguồn gốc từ Mỹ, các nền tảng như Instagram, YouTube và Snapchat là lựa chọn an toàn hơn để tránh thêm rắc rối và gián đoạn khi sử dụng, trong hoàn cảnh Chính phủ Mỹ đang siết chặt các hoạt động của ứng dụng có nguồn gốc từ Trung Quốc”.
Nếu Xiaohongshu hoặc Lemon8 cũng bị cấm, người dùng TikTok sẽ phải chuyển sang các nền tảng mạng xã hội đã tồn tại lâu đời như Instagram và YouTube – những nền tảng đã bổ sung tính năng mới trong những năm gần đây để cạnh tranh với TikTok.
Chẳng hạn, Instagram đã giới thiệu tính năng video dạng dọc, Reels, vào năm 2020 nhằm đối đầu với TikTok. Ban đầu, một số người dùng cho rằng Reels chưa thực sự đáp ứng kỳ vọng, nhưng với định dạng video dọc tương tự TikTok, nhiều người đã tận dụng để đăng chéo nội dung TikTok lên đây.
YouTube cũng ra mắt YouTube Shorts cùng năm đó, cho phép đăng tải các video ngắn dưới 1 phút. Ngoài ra, YouTube còn có định dạng video truyền thống. Trong những năm gần đây, TikTok đã bắt đầu chú trọng vào các video dài hơn, điều này khiến cả nhà sáng tạo nội dung lẫn người dùng có thể dễ dàng thích nghi với việc sản xuất và xem nội dung video phù hợp hơn với định dạng truyền thống của YouTube, thay vì YouTube Shorts.
Việc TikTok vẫn tiếp tục hoạt động bình thường bên ngoài nước Mỹ đồng nghĩa với việc số lượng video và nhà sáng tạo nội dung trên các ứng dụng như Tiểu Hồng Thư, Lemon8 ngoài Trung Quốc và Mỹ sẽ còn hạn chế, ít nhất là ở giai đoạn hiện tại.
https%3A%2F%2Fvneconomy.vn%2Ftechconnect%2Fnguoi-dan-my-bat-dau-tim-toi-nhung-ung-dung-ho-hang-de-thay-the-tiktok.htm