Theo báo cáo Connected Consumer quý III/2024 do Decision Lab công bố ngày 30/10, thương mại trực tuyến qua livestream là yếu tố đang “cách mạng hóa” trải nghiệm mua sắm trực tuyến tại Việt Nam.
The Connected Consumer là báo cáo hàng quý do Decision Lab phát hành kể từ năm 2019, cung cấp những thông tin và xu hướng mới nhất về hành vi tiêu dùng của người Việt trên nền tảng trực tuyến.
Theo báo cáo, các nền tảng thương mại trực tiếp qua livestream ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng trong quý III/2024.
Facebook hiện vẫn dẫn đầu về mức độ thâm nhập với 62% thị phần, nhưng TikTok đang thu hẹp khoảng cách nhanh chóng khi nâng mức thâm nhập lên 53%, tăng đáng kể so với quý trước.
Đặc biệt, TikTok hiện trở thành nền tảng được ưa chuộng nhất để livestream, với 33% người dùng ưu tiên, tăng 6% so với kỳ trước, trong khi Facebook giảm 6% xuống còn 32%.
Theo Decision Lab, sự tích hợp mượt mà của các tính năng cốt lõi trên TikTok và Facebook như video ngắn và tương tác trực tiếp đã đưa nền tảng này trở thành nền tảng giải trí đa năng, cực kỳ phù hợp với người tiêu dùng Việt Nam. Đây là cơ hội đáng giá để các thương hiệu tận dụng livestream, mang lại trải nghiệm mua sắm nhiều tương tác và cuốn hút, giúp tăng kết nối với người tiêu dùng và thúc đẩy doanh số.
Bên cạnh đó, TikTok đã trải qua sự tăng trưởng đáng kể nhất trong danh mục mua sắm trực tuyến trong quý này, bắt kịp Lazada về tỷ lệ sử dụng và vượt qua Lazada để trở thành nền tảng mua sắm trực tuyến được ưa chuộng thứ hai tại Việt Nam.
Cụ thể, nền tảng mua sắm trực tuyến phổ biến nhất trong quý III vẫn thuộc về Shopee, với tỷ lệ thâm nhập 61% (tăng 4% so với kỳ trước), nhưng vị trí thứ 2 đã được chiếm giữ bởi TikTok với mức thâm nhập 12% (+2%). Thị phần của Lazada giảm 3% xuống còn 12%, xếp thứ 3 trong danh sách.
Theo Decision Lab, điều này chứng tỏ TikTok đã tích hợp thành công các tính năng thương mại trực tiếp và trực tuyến, định vị mình là một “thế lực” hàng đầu trên thị trường thương mại điện tử Việt Nam.
MoMo “thống lĩnh” tài chính số
Trong lĩnh vực tài chính số, các ứng dụng ngân hàng đã có sự bứt phá mạnh trong quý III, với mức tăng 10 điểm về tỷ lệ sử dụng, trong khi MoMo vẫn giữ vị trí dẫn đầu với 69% tỷ lệ thâm nhập.
Ngoài ra, các ứng dụng do ngân hàng sở hữu đã chứng kiến mức tăng 5 điểm về sở thích của người dùng, phản ánh xu hướng ngày càng tăng của người tiêu dùng đối với các dịch vụ tài chính được xác thực và tích hợp.
Các ứng dụng do ngân hàng sở hữu đã chứng kiến sự gia tăng sử dụng ở mọi thế hệ, trong đó Thế hệ Z cho thấy mức tăng trưởng đáng kể nhất, cho thấy người tiêu dùng trẻ tuổi đánh giá cao sự tiện lợi và bảo mật khi sử dụng nền tảng tài chính kỹ thuật số.
https%3A%2F%2Fvietnamfinance.vn%2Flivestream-len-ngoi-tiktok-thanh-the-luc-hang-dau-tren-thi-truong-tmdt-viet-nam-d118141.html