1/ “Thế hệ Gen Z” là tên gọi chung cho những người trẻ sinh vào khoảng thời gian từ cuối thập niên 90 thế kỷ 20 đến đầu thập niên 2010 (hoặc từ năm 1997 đến năm 2012 theo một nghiên cứu đến từ trung tâm nghiên cứu Pew), trong kỷ nguyên thời đại số. Công nghệ bùng nổ cùng với sự tiếp cận từ sớm đã tác động đến một phần ý thức của Gen Z, tiêu biểu là xu hướng tự tin thể hiện bản thân, có chính kiến và không ngại khác biệt. Họ mong muốn được tự do phát triển theo con đường riêng và ít bị gò bó bởi khuôn khổ truyền thống.
Gen Z đang dần thay thế lực lượng lao động hiện nay, nhất là tại các doanh nghiệp trẻ, doanh nghiệp khởi nghiệp. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tại Việt Nam, số lượng thế hệ Gen Z trong độ tuổi lao động (từ 15 – 24 tuổi) vào năm 2019 là khoảng 13 triệu người. Tới năm 2025, Gen Z dự kiến sẽ đóng góp vào một phần ba lực lượng trong độ tuổi lao động tại Việt Nam và sẽ có ảnh hưởng lớn tới thị trường lao động trong nước. Nhận định chung về những con người sinh ra trong thế hệ này, PGS, TS Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết: “Đây là một thế hệ năng động, tự tin, tư duy tốt, luôn muốn tiên phong dẫn dắt, đón đầu cập nhật xu hướng mới”.
Tuy nhiên, chính những yếu tố nổi bật lại khơi nguồn cho những định hướng thiếu thiện cảm như “gen Z bốc đồng, không có sự kiên trì”, “lao động Gen Z không gắn bó lâu dài, hay nhảy việc”, hay “thích đòi hỏi và làm việc không có trách nhiệm”… Một số nhà quản lý cho rằng, Gen Z thiếu kinh nghiệm thực tế, điều này khiến họ gặp khó khăn khi bắt đầu công việc và hoàn thành các nhiệm vụ cơ bản. Trong khi đó, việc cam kết gắn bó với công ty lại không có, điều này dẫn đến việc tiêu tốn nhiều nguồn lực, thời gian, tài nguyên…
2/ Từ những câu chuyện liên quan đến nhảy việc, nhiều người cho rằng, đó là biểu hiện của sự can đảm khi Gen Z dám nghỉ việc để nói lên sự bất mãn, lên tiếng để cải thiện môi trường làm việc thay vì chịu đựng như những thế hệ trước. Thậm chí một số Gen Z còn chia sẻ lên mạng xã hội, đưa ra cảnh báo từ trải nghiệm của bản thân cho những ứng viên sau.
Nguyễn Hà Trang (25 tuổi), nhân viên công ty truyền thông trên địa bàn Hà Nội cho biết, bản thân luôn phấn đấu hoàn thành tốt công việc nhưng sếp lại có những quy định làm việc vô lý như phải nghe Điện thoại công ty bất cứ lúc nào, hay thời gian làm việc thiếu quy củ, nhiều hôm 23 giờ gọi điện giao việc và 7 giờ sáng hôm sau phải có trong khi số lượng công việc nhiều, thời gian làm việc kéo dài so với hợp đồng lao động. “Mình đã nhiều lần phản ánh nhưng nhận lại được là những lời lẽ như em đi làm thì phải cống hiến, hay đây là trách nghiệm của em với công ty. Vì vậy, mình đã nộp đơn xin nghỉ chỉ sau 6 tháng làm việc, đây là lần thứ hai mình gặp phải trường hợp như vậy”, Trang chia sẻ.
Nếu trước đây, nhiều người ở các thế hệ trước đi làm trong tâm thế “an phận thủ thường”, gắng làm tốt công việc của mình và nhận phần lương tương ứng, không đòi hỏi và ít thắc mắc về các chế độ đãi ngộ thì thế hệ Gen Z tiến vào thị trường lao động với tâm thế trái ngược. “Nổi loạn trong khuôn khổ”, nhiều bạn trẻ đã lên tiếng về quyền lợi chính đáng đối với lao động, cân bằng giữa công việc và cuộc sống, không ngại việc đương đầu với sếp và luôn đối diện với nguy cơ mất việc.
Theo các chuyên gia nhân sự, mỗi một thế hệ đều mang những đặc điểm, thế mạnh khác nhau, đại diện cho giới trẻ và đời sống xã hội trong khoảng thời gian đó. Thực tế cho thấy, Gen Z vẫn đang là một thế hệ thành công với nhiều cá nhân nổi trội, nhiều dấu ấn được ghi nhận. Song, dù ở thế hệ nào vẫn có 2 tuýp người đối lập: hoặc là hăng say sáng tạo, hoặc là thiếu trách nhiệm và ý thức. Vậy nên, việc cân bằng giữa nhà sử dụng lao động và người lao động là vô cùng quan trọng để có đội ngũ nhân viên cân bằng, hiệu quả.
https%3A%2F%2Fnhandan.vn%2Fgen-z-va-nhung-ca-tinh-post815841.html