Việc ứng dụng công nghệ số và mạng xã hội trong quảng bá và tiêu thụ sản phẩm đang mở ra cơ hội phát triển cho các sản phẩm OCOP của tỉnh Cà Mau. Ðặc biệt, việc đưa sản phẩm OCOP lên nền tảng TikTok đang là một trong những hướng đi quan trọng để khai thác tiềm năng tiêu thụ, đồng thời gia tăng giá trị cho các sản phẩm địa phương.
Bà Trương Hà Phương Anh, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh (iPEC), nhấn mạnh: “Chuyển đổi số là xu thế tất yếu để phát triển kinh tế – xã hội. Trong đó, chuyển đổi số trong quảng bá và tiêu thụ nông sản có ý nghĩa quan trọng đối với Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) tỉnh Cà Mau. Sau hơn 3 năm triển khai, tỉnh đã có 147 sản phẩm OCOP của 73 chủ thể, đây là kết quả tích cực để tiếp tục phát triển chương trình trong những năm tiếp theo”.
Vừa qua, Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Cà Mau phối hợp cùng Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Công ty TNHH TikTok Việt Nam, Ngân hàng HDBank và mạng lưới đa kênh (MCN) House of Deera tổ chức hoạt động Chợ phiên sản phẩm đặc sản, đặc trưng, sản phẩm OCOP tỉnh Cà Mau năm 2024.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử (thứ 5 từ trái sang) tham quan gian hàng livestream chợ phiên sản phẩm đặc sản, đặc trưng, sản phẩm OCOP tỉnh Cà Mau năm 2024.
Sự kiện này không chỉ là cơ hội để tăng cường quảng bá sản phẩm OCOP mà còn giúp nâng cao năng lực chuyển đổi số cho các doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) trên nền tảng thương mại điện tử. Phiên chợ với sự tham gia của 12 DN cùng 21 sản phẩm tiêu biểu. Ðặc biệt, nhiều nhà sáng tạo nội dung nổi tiếng trên TikTok như: Tạ Công Bằng, Nguyễn Mỹ Huyền (Huyền Phi), Trương Phước Tú và Daily with Dzi cũng góp mặt, tạo sức hút lớn cho sự kiện.
Ðồng hành cùng chương trình hỗ trợ phát triển và tiêu thụ sản phẩm OCOP Cà Mau, ông Lê Minh Luân, Giám đốc Chi nhánh HDBank Cà Mau, chia sẻ: “HDBank không chỉ cung cấp các sản phẩm tài chính hiện đại mà còn hướng đến các giá trị xã hội và môi trường, giúp thúc đẩy nền kinh tế địa phương. Thông qua các chương trình tài chính đặc biệt, HDBank đã hỗ trợ vốn cho các chủ thể OCOP, giúp họ nâng cao năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế. Ngân hàng cũng tích cực đào tạo, chuyển giao công nghệ và tư vấn kỹ năng số cho các DN, giúp họ tiếp cận thị trường trực tuyến hiệu quả hơn”.
Các nhà sáng tạo nội dung trên TikTok livestream bán sản phẩm đặc sản, đặc trưng, sản phẩm OCOP tỉnh Cà Mau.
Tham gia chợ phiên, nhiều DN và HTX có sản phẩm OCOP của tỉnh bày tỏ kỳ vọng lớn vào việc mở rộng thị trường qua TikTok.
Bà Mai Thị Thuỳ Trang, Giám đốc HTX Tài Thịnh Phát Farm (xã Tam Giang, huyện Năm Căn), chia sẻ: “HTX hiện có 4 sản phẩm OCOP 4 sao, gồm: chà bông tôm sinh thái, chả tôm sinh thái, thịt cua sinh thái và tôm khô sinh thái. Các sản phẩm tiêu thụ qua hệ thống các siêu thị và nhà hàng trên toàn quốc. Mong rằng thời gian tới, TikTok sẽ hỗ trợ HTX phát triển mạnh hơn nữa, thông qua các chương trình livestream quảng bá sản phẩm”.
Bà Mã Thị Thêm, Giám đốc HTX Nuôi trồng thuỷ sản Huy Thịnh (xã Tân Duyệt, huyện Ðầm Dơi), hy vọng: “HTX hiện có các sản phẩm OCOP 3 sao như: mắm tôm, ba khía muối, ba khía trộn và khô cá phi. TikTok là kênh truyền thông hiệu quả và chúng tôi rất mong nhận được sự hỗ trợ từ các nhà sáng tạo nội dung để quảng bá sản phẩm tốt hơn, đặc biệt trong dịp Tết”.
Không chỉ là nền tảng giải trí, TikTok đang dần khẳng định vai trò là kênh bán hàng và quảng bá mạnh mẽ. Anh Ðỗ Quốc Khánh, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Hùng Khánh (xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời), chia sẻ: “Công ty chúng tôi hiện có 3 sản phẩm OCOP 4 sao: trà xạ đen, trà đinh lăng và trà dây thìa canh túi lọc. Với sự hỗ trợ của tỉnh, công ty đã bước đầu bán hàng qua các sàn thương mại điện tử. Chúng tôi mong muốn học hỏi thêm kỹ năng livestream từ các nhà sáng tạo TikTok để nâng cao hiệu quả quảng bá”.
Chương trình đưa sản phẩm OCOP Cà Mau lên TikTok không chỉ giúp tăng cường khả năng tiếp cận thị trường mà còn thúc đẩy sự phát triển toàn diện của nền kinh tế số. Nhờ vào sự hợp tác giữa các cơ quan chức năng, DN, ngân hàng và nền tảng TikTok, các sản phẩm đặc trưng của Cà Mau không chỉ được tiêu thụ trong nước mà còn có cơ hội vươn ra thị trường quốc tế. Ðây là bước đi quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế số của tỉnh Cà Mau./.
Hồng Phượng
https%3A%2F%2Fbaocamau.vn%2Fdua-san-pham-ocop-len-tiktok-a35004.html