Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra bổ sung vụ án “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng; Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự; Đưa hối lộ; Nhận hối lộ” xảy ra tại một ngân hàng ở Hà Nội, đồng thời đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) Tối cao truy tố bị can liên quan đến các tội danh này.
Trước đó, hồi cuối tháng 5, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã ban hành kết luận và đề nghị truy tố 16 bị can về các tội trên. Sau đó, Viện KSND Tối cao trả hồ sơ để làm rõ một số nội dung. Đến nay, cơ quan điều tra giữ nguyên việc đề nghị truy tố với 16 bị can.
Trong vụ án này, ông Lã Quang Bình – Chủ tịch HĐQT của Công ty Cổ phần Giải pháp thanh toán Điện lực và Viễn thông (ECPAY), Đầu tư thương mại dịch vụ Điện lực (ECInvest), Tập đoàn LALUNA và khách sạn Bến Du Thuyền (Marina Hotel) cùng em gái Lã Thị Phương Liên bị đề nghị truy tố về hai tội Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng và Đưa hối lộ.
Theo kết luận, khoảng tháng 6/2021, biết Lã Quang Bình cần tiền tất toán tại ngân hàng, rút tài sản thế chấp, Phạm Như Hà – cựu Phó Giám đốc một ngân hàng, Nguyễn Hoài Anh – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư kinh doanh Tín Việt (Công ty Tín Việt) bàn bạc, thống nhất sẽ không giải ngân cho công ty của Bình, buộc ông này phải vay tiền của Hoài Anh với lãi suất cao.
Hà và Hoài Anh sử dụng các công ty của Hoài Anh lập khống hồ sơ vay tiền để ngân hàng giải ngân, sau đó dùng số tiền này cho ông Bình vay với lãi suất “cắt cổ”. Theo thỏa thuận, Hoài Anh đồng ý cho Bình vay 120 tỷ đồng, trong 20 ngày, lãi suất tương đương 146%/năm.
Hà cùng Hoài Anh và Vương Thị Bích Ngọc – cựu Phó trưởng Phòng khách hàng doanh nghiệp thống nhất việc phân chia lợi nhuận từ lãi suất cho vay: Sau khi trừ các chi phí doanh nghiệp của Hoài Anh, chi phí huy động 50 tỷ đồng của Hà, tiền lãi sẽ chia đôi. Hà và Ngọc được một nửa, Hoài Anh hưởng một nửa.
Theo kết luận, trong 120 tỷ đồng cho Bình vay thì Hà góp 2 tỷ đồng, 118 tỷ đồng còn lại do Hoài Anh góp (trong đó 1,1 tỷ đồng của Hoài Anh; 116,9 tỷ đồng là tiền ngân hàng giải ngân cho hai công ty của Hoài Anh).
Đến ngày 14/7/2021, Bình chuyển 9,6 tỷ đồng tiền lãi cho Hoài Anh. Hà và Ngọc được hưởng hơn 4 tỷ đồng, còn Hoài Anh hưởng hơn 5,5 tỷ đồng.
Cùng ngày, Bình trả 35 tỷ đồng gốc của khoản 120 tỷ đồng vay cho Hoài Anh. Còn lại 85 tỷ đồng, Hoài Anh thống nhất với Bình lãi suất là 30%/năm, tiền lãi được chuyển theo tháng.
Hoài Anh, Hà và Ngọc thống nhất: Sau khi trừ đi khoản chi phí lãi suất 9% cho ngân hàng, số tiền lãi còn lại hàng tháng sẽ chia đôi cho Hoài Anh và Hà.
Theo đó, từ ngày 15/7/2021 đến ngày 25/4/2022, Bình chuyển cho Hoài Anh hơn 14,4 tỷ đồng. Theo thỏa thuận, Hoài Anh đã chuyển 3 tỷ đồng vào tài khoản của Ngọc. Từ sau tháng 11/2021, Hoài Anh không chuyển tiền lợi nhuận cho Hà và Ngọc nữa.
Cơ quan chức năng cáo buộc, Hoài Anh đã thu lợi bất chính hơn 4,1 tỷ đồng từ việc cho vay lãi nặng. ” Hành vi của Nguyễn Hoài Anh đã phạm vào tội Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”, kết luận nêu.
Quá trình điều tra bổ sung, bị can Bình trình bày nguyện vọng chịu trách nhiệm trả 85 tỷ đồng đã vay; bị can Hoài Anh nhận quyền tài sản với 2 bất động sản tại Đà Nẵng đã thế chấp, đồng thời chịu trách nhiệm về khoản nợ 2 công ty tại ngân hàng.
Ngoài ra, kết luận điều tra còn nêu, bị can Lã Quang Bình còn bàn bạc với em gái đưa hối lộ cho bị can Đào Hoàng Thắng (cựu Giám đốc chi nhánh ngân hàng này) để giải quyết cho Công ty Thịnh Phát không bị chuyển nợ xấu và tiếp tục được giải ngân vốn vay.
Đối với bị can Đào Hoàng Thắng, lợi dụng chức vụ là giám đốc chi nhánh, phụ trách mọi hoạt động chung đã có hành vi nhận hối lộ 200.000 cổ phiếu EIN của Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại dịch vụ điện lực (tương đương 2 tỷ đồng).
Bị can Thắng chỉ đạo cựu Phó Giám đốc Phạm Như Hà, phòng khách hàng doanh nghiệp cấp hạn mức tín dụng, giải ngân cho Công ty Thịnh Phát của Lã Quang Bình trái quy định.
Còn bị can Phạm Như Hà được giao nhiệm vụ phê duyệt tín dụng theo thẩm quyền nhưng đã có hành vi trực tiếp ký phê duyệt đồng ý cấp tín dụng, giải ngân cho 66 công ty trái quy định pháp luật.
Đối chiếu tổng dư nợ và tổng giá trị tài sản thế chấp, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an xác định thiệt hại của chi nhánh Đống Đa là 1.089 tỷ đồng. Tuy nhiên, tại kết luận điều tra bổ sung, Cơ quan an ninh điều tra xác định thiệt hại giảm còn 1.086 tỷ đồng.
Quá trình điều tra, ông Thắng và ông Hà thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải và hợp tác với cơ quan điều tra. Gia đình ông Hà đã nộp 1,1 tỷ đồng vào tài khoản tạm giữ của cơ quan điều tra để khắc phục hậu quả vụ án. Gia đình ông Thắng tự nguyện nộp 1 tỷ đồng để khắc phục hậu quả.
Còn bị can Phạm Như Hà được giao nhiệm vụ phê duyệt tín dụng theo thẩm quyền nhưng đã có hành vi trực tiếp ký phê duyệt đồng ý cấp tín dụng, giải ngân cho 66 công ty trái quy định pháp luật.
https%3A%2F%2Fcafef.vn%2Fcuu-sep-ngan-hang-cho-dai-gia-la-quang-binh-vay-lai-cat-co-188241015150619681.chn