Người tiêu dùng thế hệ Z đang trở thành nhóm khách hàng tiềm năng không thể bỏ qua của các thương hiệu thời trang. Nền tảng phân tích Launchmetrics đã công bố báo cáo chi tiết về các thương hiệu nào đang thành công hay gặp khó khăn trong việc chinh phục thế hệ khó tính này.
Tóm tắt nội dung:
- Skims đứng đầu bảng xếp hạng các thương hiệu cao cấp
- Loewe và Celine – những nhà mốt xa xỉ mới nổi được Gen Z chào đón
- Shein chứng kiến bước nhảy vọt, các thương hiệu sportswear tiếp tục thống lĩnh phân khúc bình dân
Để thiết lập quy tắc xếp hạng cho từng hạng mục thời trang, bao gồm hàng xa xỉ, cao cấp và thị trường bình dân, Launchmetrics sử dụng một hệ thống có tên là Giá trị tác động truyền thông (Media Impact Value – MIV). Qua đó, các bài đăng, tương tác và bài viết được quy thành giá trị tiền tệ để đo lường tác động của thương hiệu và đánh giá của khách hàng.
Trong báo cáo này, Launchmetrics chủ yếu trích dẫn dữ liệu trong từ ngày 1/1/2020 đến ngày 31/12/2023 để so sánh sự thay đổi trong quá trình phát triển của các thương hiệu thời trang.
Skims đứng đầu bảng xếp hạng các thương hiệu cao cấp
Launchmetrics cho biết, hạng mục thời trang cao cấp (Premium) ghi nhận mức tăng trưởng MIV cao nhất, lên đến 114%. Trong khi đó, phân khúc xa xỉ (Luxury) tăng 69%, và phân khúc bình dân (Mass market) tăng 62%. Sự gia tăng đáng kể này được cho là nhờ vào nỗ lực của các thương hiệu cao cấp nhằm chạm đến các giá trị của Thế hệ Z theo cách chân thực hơn, từ đó chiếm lấy cảm tình của nhóm người tiêu dùng trẻ.
Christopher Morency của Edition+ Partners lưu ý rằng Gen Z có nhiều sở thích đa dạng khác nhau: “Các thương hiệu thành công nhất tận dụng điều này bằng cách điều chỉnh chiến lược marketing dựa trên các nền tảng và cộng đồng văn hóa mà thế hệ Z quan tâm, thay vì cố gắng truyền tải một thông điệp duy nhất đến toàn bộ người tiêu dùng”.
Về thứ hạng, Skims dẫn đầu hạng mục thời trang cao cấp năm 2023, tăng từ vị trí thứ 12 năm 2020 lên vị trí đầu tiên với giá trị MIV 638 triệu USD.
Theo sau là Calvin Klein, Levi’s, Lululemon, Coach, Michael Kors và Tommy Hilfiger, tất cả đều đã chiếm giữ các vị trí hàng đầu trong những năm trước.
Những cái tên mới trong Top 20 là Diesel, Cos và The North Face. Đáng chú ý, Birkenstock có bước nhảy vọt lớn nhất từ vị trí thứ 17 lên vị trí thứ 8 với sức tăng đột biến 149%. Alo, Lacoste và Fabletics đã mất đi vị trí của mình.
Loewe và Celine: Những nhà mốt xa xỉ mới nổi được Gen Z chào đón
Trái ngược với phân khúc cao cấp, các thương hiệu xa xỉ không có nhiều sự thay đổi. 10 thương hiệu nằm trong Top MIV năm 2020 hầu như vẫn giữ nguyên vị trí. Dior, Chanel, Gucci và Louis Vuitton vẫn giữ vững bốn vị trí đầu bảng, với MIV khổng lồ từ 2,5 đến 4,3 tỷ USD.
Valentino là cái tên mới duy nhất trong danh sách này, thay thế Dolce & Gabbana ở vị trí thứ 10, sau khi tăng MIV từ 503 triệu USD lên 1,05 tỷ USD.
Tuy nhiên, Top 20 đã chứng kiến nhiều sự thay đổi hơn. Hai thương hiệu mới nổi Loewe và Celine đã lần lượt vươn lên vị trí thứ 13 và 17, thay thế Tom Ford và Alexander McQueen – những cái tên đã biến mất hoàn toàn khỏi danh sách.
Mặc dù thời trang xa xỉ không phải là mối quan tâm hàng đầu của Gen Z, mức tăng 69% MIV của phân khúc này phần lớn là do các thương hiệu ưa phá vỡ quy tắc như Celine và Loewe đã bắt đầu tập trung vào những người mua sắm trẻ tuổi.
Mặc dù không lọt vào Top 20, Jacquemus và Schiaparelli cũng được chú ý, khi MIV của hai thương hiệu này tăng lần lượt 86% và 463% – một thành quả ấn tượng đến từ những nội dung có tác động cao và khả năng lan truyền mạnh mẽ.
Bên cạnh đó, sự thay đổi này cũng đến từ sức ảnh hưởng ngày càng tăng của những người nổi tiếng và influencer.
Trong khi MIV của người nổi tiếng tăng từ 1,7 lên 7,6 tỷ USD, MIV của influencer đã leo dốc từ 5,2 lên 14,4 tỷ USD.
Media Voice là thước đo quan trọng, với MIV 39 tỷ USD, tăng so với mức 32,2 tỷ USD trước đó. Điều này phản ánh sự thay đổi trong sức ảnh hưởng của các thương hiệu cao cấp. Cụ thể, influencer chứng kiến mức tăng MIV lớn nhất từ 2,1 lên 6,6 tỷ USD, trong khi Media Voice của báo chí tăng bình ổn từ 9,7 tỷ lên 12,8 tỷ USD.
Shein chứng kiến bước nhảy vọt, các thương hiệu sportswear tiếp tục thống lĩnh phân khúc bình dân
Bảng xếp hạng phân khúc bình dân đã chào đón một cuộc “đại trùng tu” quy mô lớn. Trong khi Nike, adidas và Zara vẫn giữ nguyên ba vị trí đầu, gã khổng lồ thời trang nhanh của Trung Quốc – Shein – đã có bước nhảy vọt đáng chú ý, với MIV từ vị trí thứ 9 (421 triệu USD) lên vị trí thứ 4 (1,42 tỷ USD), tương đương với mức tăng 237%.
Các thương hiệu thể thao tiếp tục thống trị phần lớn Top 20, đóng góp tổng cộng 7,5 tỷ USD MIV. New Balance, Puma và Gymshark duy trì sự hiện diện trong danh sách và các thương hiệu thời trang nhanh cũng không kém cạnh.
Những cái tên mới bao gồm Prettylittlething và Asos, FashionNova và Primark cho thấy ảnh hưởng ngày càng lớn.
Trong phân khúc này, phương tiện truyền thông có tác động kém hiệu quả hơn so với những người có sức ảnh hưởng. Đáng chú ý, sức ảnh hưởng từ các kênh chính thống của thương hiệu đã giảm từ 4,2 xuống còn 3,9 tỷ USD.
Điều này cho thấy Gen Z có xu hướng tin tưởng nội dung từ content creator. Angela Nader, người giám sát bộ phận quan hệ đối tác thương hiệu trên nền tảng LTK, Vương quốc Anh, cho rằng những người sáng tạo nội dung hiện là nguồn tin quảng cáo đáng tin cậy nhất trên mạng xã hội.
Nadar chia sẻ: “Không có gì ngạc nhiên khi những người sáng tạo nội dung đang phần lớn ảnh hưởng tới các quyết định mua sắm của thế hệ Z. 75% gen Z cho biết họ mua hàng online từ các đề xuất của content creator (cao hơn 21% so với các thế hệ khác). Cùng với đó, 77% mua sắm các sản phẩm tại cửa hàng sau khi xem nội dung của content creator”.
* Nguồn: Style-Republik
https%3A%2F%2Fwww.brandsvietnam.com%2Fcongdong%2Ftopic%2F341609-bao-cao-launchmetrics-gen-z-yeu-thich-thoi-trang-phan-khuc-cao-cap