Hội đồng gồm 3 thẩm phán thuộc Tòa án phúc thẩm Mỹ tại Washington D.C đã từ chối việc xem xét đơn kháng cáo từ TikTok và ByteDance với lý do đạo luật được ban hành trước đó là phù hợp với hiến pháp, báo New York Times đưa tin ngày 6/12 (giờ Mỹ).
TikTok có hơn 170 triệu người dùng ở Mỹ. Ảnh chụp màn hình New York Times
Phán quyết này là cú đánh mạnh vào TikTok tại thị trường lớn nhất là Mỹ với hơn 170 triệu người sử dụng. Bộ Tư pháp Mỹ hoan nghênh với quyết định trên của tòa án phúc thẩm.
Bộ trưởng Tư pháp Mỹ nói: “Quyết định hôm nay là một bước quan trọng trong việc ngăn chặn Chính phủ Trung Quốc biến TikTok thành vũ khí để thu thập thông tin nhạy cảm về hàng triệu người Mỹ, để thao túng ngầm nội dung được cung cấp cho người sử dụng Mỹ và làm suy yếu an ninh quốc gia của chúng ta”.
Vào tháng 4/2024, Tổng thống Mỹ Joe Biden ký thông qua Đạo luật Bảo vệ người Mỹ khỏi ứng dụng do đối thủ nước ngoài kiểm soát (PAFACA), buộc ByteDance – công ty mẹ của TikTok có trụ sở tại Trung Quốc – phải hoàn thành việc thoái vốn tại TikTok theo thời hạn chót là ngày 19/1/2025.
Tổng thống đắc cử Donald Trump (nhậm chức ngày 20/1/2025, chỉ sau thời hạn trên đúng 1 ngày) đã cố gắng cấm TikTok trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, nhưng ông Trump thay đổi lập trường của mình trong chiến dịch tranh cử tổng thống vừa qua và tuyên bố sẽ “cứu” ứng dụng này.
Vào đầu tháng 5/2024, TikTok và tập đoàn mẹ gửi đơn kiện lên Tòa phúc thẩm liên bang Mỹ, là tòa có thẩm quyền xét xử khiếu nại liên quan đến PAFACA. Trong đơn, ByteDance và TikTok cáo buộc Chính phủ Mỹ ban hành lệnh cấm một nền tảng mạng xã hội như TikTok là vi phạm Tu chính án thứ nhất trong Hiến pháp Mỹ về quyền tự do ngôn luận. Họ cũng lập luận rằng việc ByteDance thoái vốn khỏi TikTok là không khả thi dưới góc độ thương mại, công nghệ và pháp lý.
Các nhà lập pháp và giới chức an ninh quốc gia Mỹ từ lâu đã thể hiện sự nghi ngại mối liên hệ giữa TikTok và Trung Quốc. Các quan chức từ cả hai đảng của Mỹ — Cộng hòa và Dân chủ — đã cảnh báo Chính phủ Trung Quốc có thể sử dụng TikTok để do thám và thu thập dữ liệu từ khoảng 170 triệu người dùng Mỹ hoặc tìm cách gây ảnh hưởng đến người dân Mỹ một cách có chủ đích.
Quan điểm trên xuất phát từ việc luật an ninh quốc gia của Trung Quốc yêu cầu các tổ chức phải hợp tác với hoạt động thu thập thông tin tình báo.
https%3A%2F%2Fthegioitiepthi.vn%2Ftiktok-se-vang-khoi-thi-truong-my-vao-thang-1-neu-bytedance-khong-thoai-von-20241207083126212.htm