(QBĐT) – Trong một buổi sớm mùa đông khi sương mù còn giăng mắc trên cành cây, ngọn cỏ của núi rừng Trường Sơn, chúng tôi có dịp gặp lại già làng Trần Văn Phúc (SN 1939, bản Khe Cát, xã Trường Sơn, Quảng Ninh) trong căn nhà đơn sơ của ông. Bước chân đã đôi phần mỏi mệt, khuôn mặt hằn rõ dấu vết của thời gian, giọng nói run run sau cơn bệnh dài ngày, duy chỉ có ánh mắt bừng sáng và giọng điệu hồ hởi, xúc động khi được hỏi về các nhạc cụ, những bài dân ca truyền thống của người Bru-Vân Kiều. Bởi trong ông, niềm đam mê truyền dạy văn hóa dân tộc vốn chưa bao giờ ngơi nghỉ.
Ông Phúc tự hào kể, nói riêng về nhạc cụ thì ở xã Trường Sơn này, hiếm người có thể chơi được hầu hết các nhạc cụ của người Bru-Vân Kiều, từ các loại sáo, thanh la, trống cho đến kèn, chiêng… Loại nhạc cụ nào ông cũng đều chơi thành thục và tạo dấu ấn riêng. Ngay từ bé, ông đã theo cha học cách sử dụng các loại nhạc cụ của đồng bào Bru-Vân Kiều, rồi cứ thế, ông say mê và trau dồi, rèn luyện từng ngày.
Đặc biệt, ngoài các loại nhạc cụ, ông còn thông thạo nhiều điệu múa, điệu hát của đồng bào. Nếu già làng Hồ Ai được biết đến với những bài dân ca đặc sắc của người Bru-Vân Kiều thì già làng Trần Văn Phúc lại “có tiếng” về tài chơi các nhạc cụ. Hai già làng đã cùng nhau tạo một sức hút riêng của âm nhạc truyền thống người Bru-Vân Kiều, khiến lớp trẻ không còn thờ ơ với di sản cha ông.
Trăn trở không để âm nhạc truyền thống dân tộc bị mai một, già làng Trần Văn Phúc vừa tích cực tham gia đội văn nghệ của bản, Câu lạc bộ (CLB) văn hóa, văn nghệ dân gian dân tộc Bru-Vân Kiều xã Trường Sơn, vừa tham gia truyền dạy cho thế hệ trẻ. Ông chia sẻ, thật khó để kể hết các lớp truyền dạy mà ông đã tham gia với tất cả nhiệt huyết và tình yêu dành cho văn hóa dân gian trong suốt những năm qua.
Tại các lớp truyền dạy, ông không chỉ tỉ mỉ, ân cần giới thiệu từng nhạc cụ, điệu hát của người Bru-Vân Kiều, mà còn hướng dẫn, uốn nắn cho các cháu về cách chơi, cách đánh nhạc cụ, cách hát sao cho hay, cho chính xác. Từ nỗi lo lắng về việc lớp trẻ sẽ lãng quên văn hóa dân tộc, nay ông có thể yên tâm hơn bởi đã có thể gửi gắm tri thức bản địa về âm nhạc truyền thống của người Bru-Vân Kiều cho thế hệ trẻ.
Theo Chủ nhiệm CLB văn hóa, văn nghệ dân gian dân tộc Bru-Vân Kiều xã Trường Sơn Hồ Thị Con, CLB thành lập với 30 thành viên, trong đó các thành viên trẻ tuổi hơn 20 người. Già làng Trần Văn Phúc cùng già làng Hồ Ai luôn kiên trì, nhẫn nại truyền dạy cho các thành viên CLB về các nhạc cụ, điệu hát dân gian của người Bru-Vân Kiều.
Nhờ sự tâm huyết của các già làng, thành viên CLB đã thành thục cách chơi nhạc cụ, cách hát dân ca truyền thống của dân tộc và nỗ lực phát huy giá trị di sản. Năm 2024, sức khỏe yếu hơn, già làng Trần Văn Phúc không có điều kiện tham gia sinh hoạt CLB đều đặn như trước nhưng ông vẫn không nề hà hướng dẫn tại nhà với những ai mong muốn tìm hiểu, học hỏi.
Bà Nguyễn Thị Duyên, công chức văn hóa-xã hội, UBND xã Trường Sơn chia sẻ, trong nỗ lực giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, già làng Trần Văn Phúc luôn là người đi đầu trong việc tuyên truyền, vận động bà con bảo tồn những lễ hội truyền thống của đồng bào, các điệu hát, điệu múa, nhạc cụ mang bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc, như: Hát giao duyên, Xì nớt, Tà oải và các loại nhạc cụ, như: Kèn A-mam, sáo Pi, chiêng… Ông cũng tích cực tham gia truyền dạy cho các thế hệ con cháu những lời ca, điệu múa, nhạc cụ truyền thống của dân tộc Bru-Vân Kiều.
Già làng Trần Văn Phúc tâm sự, giờ tuổi đã cao, sức đã yếu, công tác truyền dạy di sản của người Bru-Vân Kiều cho thế hệ sau không còn được thường xuyên nữa. Ông mong muốn, thời gian tới, nỗ lực này sẽ tiếp tục được các cấp ngành, địa phương quan tâm nhiều hơn, nhất là khi dự án 6 “Bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021-2025 được triển khai. Trong đó, cần tiếp tục hỗ trợ nguồn kinh phí để duy trì hoạt động hiệu quả, thường xuyên cho các đội văn hóa, văn nghệ của bản, CLB văn hóa, văn nghệ dân gian dân tộc Bru-Vân Kiều xã Trường Sơn.
M.N
https://www.baoquangbinh.vn/van-hoa/202411/de-tieng-sao-tieng-chieng-vang-vong-mai-2222606/
Địa chỉ Mua Điện thoại iphone, Macbook, Ipad, Apple Watch chính hãng Uy tín nhất, dẫn đầu, được số đông khách hàng chọn lựa: Thế Giới Di Động 127 Trần Hưng Đạo (đối diện Bến xe TP Đồng Hới), tỉnh Quảng Bình