Thông tin tại khóa tập huấn trang bị kỹ năng kinh doanh và hướng dẫn tạo gian hàng, vận hành các sản phẩm trên nền tảng TikTok Shop, ông Nguyễn Hữu Hoài Phú, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP.HCM, nông nghiệp đóng góp rất nhỏ vào GRDP của thành phố, chưa tới 1%.
“Nông nghiệp thành phố nhỏ, mức đầu tư không có, tuy nhiên lại là nơi dẫn dắt lớn về công nghệ giống, công nghệ sản phẩm”, lãnh đạo Sở NN-PTNT TP.HCM nói và nhìn nhận, hiện nay, sản phẩm nông nghiệp của TP.HCM tham gia trên sàn thương mại điện tử Tiktok Shop không quá 5%.
“Tại sao ở một đô thị như TP.HCM nhưng sản phẩm nông nghiệp truyền thống lên một không gian lớn như vậy lại chỉ có 5%. Chúng ta phải nhìn nhận thực tế, cực kỳ nhiều vấn đề, nhưng vấn đề cốt lõi là các CEO, giám đốc doanh nghiệp chưa quan tâm ưu tiên về lĩnh vực này. Bên cạnh đó, sự quản lý của các cơ quan nhà nước chưa đồng bộ; không gian dùng chung cho các sở ngành chưa có”, ông Nguyễn Hữu Hoài Phú nói.
Ông Nguyễn Hữu Hoài Phú dẫn chứng, tại Tuần lễ sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng các vùng miền và công nghệ sản xuất, bảo quản, chế biến nông sản năm 2024 vừa diễn ra trong 5 ngày (từ 6-9/11) tại Công viên Lê Thị Riêng với không gian trưng bày các sản phẩm OCOP của 32 tỉnh thành, đã thu hút 100.000 lượt bà con đến tham gia mua sắm.
“Tại sự kiện này, Ban tổ chức cũng đã phối hợp cùng 7 KOL/TikToker tham gia bán nông sản, sản phẩm OCOP trên sàn TikTok Shop và đã thu hút 160.000 người tham gia coi, bình luận và mua hàng. Quá thành công. Để tạo ra một sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu trên thị trường phải mất 3-5 năm”, ông Nguyễn Hữu Hoài Phú nói và đề nghị các CEO, doanh nghiệp nông nghiệp cần nắm bắt cơ hội tham gia khóa học này để củng cố nội dung, truyền thông chất lượng sản phẩm tốt hơn, trang bị kỹ năng sâu hơn để quảng bá chất lượng sản phẩm trên không gian mạng, rút ngắn khoảng cách với người tiêu dùng, để mở rộng thị phần sản phẩm nông nghiệp trên không gian mạng đầy tiềm năng.
Qua đó, là tiền đề để các doanh nghiệp nông nghiệp ở các tỉnh thành khác cùng tham gia, xây dựng chuỗi liên kết, cung cấp sản phẩm nông nghiệp cho người tiêu dùng ngày càng tốt hơn.
Bà Trần Thị Tân, Giám đốc Trách nhiệm xã hội TikTok Shop cho biết, dưới sự hỗ trợ của Trung tâm Xúc Tiến thương mại nông nghiệp (Bộ NN-PTNT), Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương), thời gian qua, đơn vị đã phối hợp cùng các đối tác, và hơn 500 nhà sáng tạo nội dung thực hiện dự án “Chợ phiên OCOP” và “Tự hào hàng Việt” với hơn 1.000 phiên livestream tại gần 30 tỉnh thành trên cả nước. Qua đó, tiếp cận với hơn 3.500 nhà bán hàng.
Theo bà Tân, cơ hội để các doanh nghiệp kinh doanh trên sàn thương mại điện tử là rất lớn, tuy nhiên để kinh doanh, bán hàng bền vững, đòi hỏi các doanh nghiệp, chủ thể phải nâng cao năng lực, không ngừng học hỏi để tiếp cận với các công cụ trên nền tảng công nghệ. Đặc biệt, phải kể những câu chuyện hay về sản phẩm, nhất là các sản phẩm OCOP, sản phẩm bản địa mới thu hút được lượng tiếp cận của người mua.
Là một trong những nhà sáng tạo nội dung nổi tiếng, Hoa hậu Trương Hồ Phương Nga (với khoảng 86.000 người theo dõi trên nền tảng TikTok) và Tạ Công Bằng sẽ cùng đồng hành với các doanh nghiệp OCOP, để giúp họ hiểu rõ cách thu hút khách hàng, cũng như kỹ năng quảng bá sản phẩm hiệu quả và xây dựng kết nối với người tiêu dùng.
“Ở vị trí là người tiêu dùng, thông qua nền tảng thương mại điện tử, có thể giúp cho người tiêu dùng ở bất kỳ đâu cũng có thể mua được sản phẩm địa phương, sản phẩm vùng miền. Ví dụ ở TP.HCM nhưng tôi có thể mua được mận hậu Sơn La; ở Hà Nội nhưng vẫn có thể mua được cua Cà Mau chính gốc. Đó là điều có giá trị đối với người tiêu dùng.
Ở vị trí là người bán hàng, tôi đã từng chứng kiến một số sản phẩm, một số thương hiệu chưa được người tiêu dùng biết đến, nhưng trong một thời gian ngắn đồng hành cùng họ, đến nay họ đã trở thành những thương hiệu được săn đón, không có hàng sẵn để bán, mà luôn trong tình trạng phải đặt hàng trước”, Hoa hậu Trương Hồ Phương Nga nói và cho rằng, khi tham gia TikTok Shop hay kinh doanh trên các sản thương mại điện tử khác, thông qua việc giới thiệu các video về sản phẩm hoặc livestream bán hàng là cách nhanh nhất để các doanh nghiệp tiếp cận, giới thiệu sâu sắc hơn về sản phẩm, về giá trị nổi bật của sản phẩm đến với người tiêu dùng, để họ hiểu về sản phẩm, đưa ra lựa chọn và khi nhận được sản phẩm sẽ đáp ứng đúng kỳ vọng của họ.
Đó là vai trò của người bán hàng, là cầu nối giúp cho người tiêu dùng hiểu được giá trị của sản phẩm. Đồng thời, tiết kiệm thời gian, chi phí, nguồn lực cho doanh nghiệp, đem lại giá trị cao hơn cho người tiêu dùng.
https%3A%2F%2Fnongnghiep.vn%2Fchi-5-san-pham-nong-nghiep-tphcm-ban-tren-tiktok-shop-d408698.html