Hồi năm 2009, khi NASA chuẩn bị đưa phi hành gia Mike Massimino xuống quỹ đạo thấp sau quá trình bảo dưỡng Kính viễn vọng Không gian Hubble, Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ đưa thêm cho anh một đầu việc mới lạ, chưa phi hành gia nào có cơ hội đương đầu.
Ấy là soạn thảo một bài đăng Twitter (nay là X) đầu tiên được gửi xuống từ không gian.
Massimino đồng ý, và lập tức ký ức của thuở tập sự ùa về. Ông nhớ lời kể của Neil Armstrong, rằng ông chẳng chuẩn bị chút gì cho bài phát biểu được phát đi từ Mặt Trăng. Phi hành gia Massimino nối bước tiền nhân, nói đại một câu cho xong.
“Tôi nhìn vào màn hình máy tính, và chẳng nghĩ ra được gì cả. Quả thật, lời khuyên của Neil Armstrong khi xưa tệ vô cùng. Thế là tôi viết vào máy thứ đầu tiên hiện lên trong đầu“, ông Massimino cười, hồi tưởng về khoảnh khắc lơ lửng bên cạnh hệ thống kính viễn vọng.
Ông rút máy tính ra, và nhận định rằng công cuộc phóng tàu đã diễn ra “tuyệt vời”, và mình “cảm thấy rất ổn“. Đi qua đường email không gian, xuống tới trạm mặt đất nơi các chuyên viên của NASA đang túc trực, bài đăng sớm được đăng tải lên Twitter và viral trong tức khắc, dưới danh nghĩa “bài đăng mạng xã hội đầu tiên được gửi từ không gian“.
Dưới đây là nội dung bài đăng Twitter của cựu phi hành gia Massimino – hiện đang đảm nhiệm sứ mệnh trồng người Đại học Columbia, với tư cách giáo sư kỹ thuật cơ khí.
Công nghệ đã tiến bộ nhiều kể từ năm 2009, giờ đây phi hành gia đã có thể trực tiếp đăng bài từ Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS), việc phi hành gia sở hữu tài khoản mạng xã hội cũng không còn hiếm thấy. Những tài khoản và bài đăng này đã trở thành một phần của chiến lược PR của NASA. Sớm thôi, chúng ta sẽ sớm thấy các phi hành gia đăng bài từ Mặt Trăng hay xa hơn nữa, là Sao Hỏa.
Dần dà, ranh giới giữa phi hành gia và người có tầm ảnh hưởng (influencer) đang mờ dần, hay ít nhất một số tập đoàn đang mong muốn xóa nhòa lằn ranh này. Những công ty như Virgin Galactic hay Axiom đều đang nuôi tham vọng phát triển công nghệ hàng không vũ trụ, đều dự tính sẽ đưa influencer ra ngoài không gian để quảng bá sản phẩm hay sản xuất nội dung.
Nhưng suy cho cùng, phi hành gia mới là những cá nhân đáng, và nên trở thành bộ mặt đại diện cho con người ở môi trường ngoài Trái Đất. Và để chuẩn bị cho ngày các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Instagram hay TikTok trở thành cổng thông tin về tin tức, khung cảnh ngoài hành tinh, NASA rục rịch phác thảo một bộ quy tắc ứng xử cho các phi hành gia tương lai.
Tổ chức nổi tiếng nay đã là một phần của văn hóa đại chúng
Có thể nhận định NASA là một trong những cơ quan chính phủ nổi tiếng nhất thế giới. Khi được thành lập vào năm 1958, NASA đã đề cao sứ mệnh minh bạch thông tin cho quần chúng, về mọi sứ mệnh cũng như các công trình nghiên cứu của mình. Trong quá trình hoạt động, NASA đã rót vốn vào nghiên cứu lịch sử, bảo tồn nghệ thuật, thậm chí mở cả kênh truyền hình riêng. Bên cạnh đó, họ cũng khuyến khích phi hành gia trở thành người nổi tiếng, rồi tận dụng danh tiếng để quảng bá cho ngành nghề đòi hỏi chuyên môn rất cao.
Ngày nay, phi hành gia không có được “nổi” như những cá nhân đã được lưu danh sử sách, nhưng vẫn rất nhiều người vẫn đang hoạt động tích cực trên mạng xã hội, bất kể họ có còn là phi hành gia hay không. Như với trường hợp của ông Massimino, bài đăng xưa kia được 2.000 like – một con số ấn tượng ở thời điểm 2009, và hiện tài khoản Twitter (nay là X) của ông đã có hơn 1 triệu người theo dõi.
“Chúng tôi là một trong những nhóm người đầu tiên sử dụng mạng xã hội trong không gian”, Cady Coleman, phi hành gia từng lên trạm ISS hồi 2011 nhận định. “Tôi hứng thú với việc có một đường dẫn, một phương thức chia sẻ nội dung với người khác. Cùng lúc đó, chúng tôi phải cẩn trọng và tỏ ra tôn trọng với từng lời nói ra … Bạn không muốn để lộ ra những thí nghiệm không phù hợp [với đại chúng]”.
Khi tiếng tăm tích tụ ngày một nhiều, các phi hành gia bắt đầu mở rộng nền tảng hoạt động của mình. Hồi 2014, phi hành gia Wiseman đã đăng tải video Vine đầu tiên từ ngoài Trái Đất, trình diễn cảnh trạm ISS bay quanh Trái Đất. Năm 2016, Mark Zuckerberg tổ chức buổi livestream đầu tiên với sự tham gia của phi hành gia.
Tất cả những chương trình này đều nằm trong chiến lược truyền thông quốc tế của NASA. Theo tài liệu chính thức của cơ quan này, nhằm giáo dục ứng viên phi hành gia và phát hành năm 2018, thì NASA sở hữu 10 quản lý truyền thông và hơn 700 tài khoản mạng xã hội, họ có mặt trên nhiều những nền tảng lớn, bao gồm Reddit, LinkedIn và Twitch.
Ngoài huấn luyện chuyên môn, các phi hành gia được cố vấn trước khi đăng bài. Tài liệu huấn luyện còn hướng dẫn cách cắt video sao cho vừa các nền tảng, sử dụng hashtag sao cho hợp lý, cách viết nội dung bài sao cho hiệu quả, và cách lựa chọn chủ đề sao cho “ngầu/hài hước”.
Phi hành đoàn trên ISS cũng phải tuân theo một bộ quy tắc ứng xử, họ bị cấm thực hiện các hành vi có thể gây “ảnh hưởng không tốt trên diễn đàn công cộng” hoặc làm suy giảm niềm tin của công chúng vào tính liêm chính của bất kỳ đối tác, quốc gia đối tác, hay cơ quan hợp tác nào của ISS.
Chưa hết, NASA khẳng định rằng nhân viên của họ được khuyến cáo không sử dụng TikTok vì luật pháp Hoa Kỳ, vốn cấm cơ quan này hợp tác với các công ty thuộc sở hữu của Trung Quốc. Tuy vậy, Cơ quan Không gian Châu Âu (ESA) không phải tuân theo quy định này: năm 2022, phi hành gia Samantha Cristoforetti thuộc ESA đã đăng tải video TikTok đầu tiên được quay từ trạm ISS.
Đầu năm 2022, trong sứ mệnh Axiom 1, sứ mệnh đầu tiên lên ISS do công ty tư nhân tổ chức, các bài đăng trên mạng xã hội, bao gồm hình ảnh và video, đều phải được NASA duyệt trước khi công bố. Một tài liệu khác cho thấy rằng vào tháng 3 năm 2022, NASA đã thiết lập một quy trình xem xét mới để xử lý hình ảnh và nội dung mạng xã hội được tạo ra trong các sứ mệnh do công ty hàng không vũ trụ tư nhân thực hiện.
Những câu chuyện chính trị nhạy cảm
Theo quy tắc chung trong hoạt động, các phi hành gia thường sẽ có lập trường trung lập. Trovatello, đại diện của ESA, cho biết mặc dù cơ quan không cấm các phi hành gia phát ngôn bất kỳ chủ đề nào, nhưng tất cả các thông tin liên lạc liên quan đến những sự việc chính trị nhạy cảm đều do tổng giám đốc của cơ quan xử lý.
“Tôi tự đặt ra vài quy tắc cho mình: Không nói về chính trị, không nói về tôn giáo“, André Kuipers, một phi hành gia của ESA đã hai lần lên trạm ISS, nhận định. Ông kể rằng trong thời gian ở trạm, ông cố gắng tập trung vào các chủ đề khoa học, công nghệ và các hoạt động trong không gian, chứ không chú trọng đến các chủ đề như chính trị.
“Lần sai lầm đầu tiên của tôi là một bức ảnh mà tôi đăng kèm chú thích ‘Quang cảnh tuyệt đẹp qua Quần đảo Falkland.’ Trong vài giây, tôi đã nhận được bình luận từ những người nói rằng họ không công nhận cái tên đó, mà thích gọi là ‘Quần đảo Malvinas‘.” Wiseman chia sẻ với báo giới.
“Đây là một bài học quý giá đối với tôi và là lời nhắc nhở rõ ràng rằng tôi không phải là một người Mỹ trong không gian, tôi là một trong sáu người Trái Đất đang sống ngoài hành tinh“.
Nguồn: Vũ trụ
Trước khi thực hiện sứ mệnh Artemis 1, đội ngũ quản lý mạng xã hội của NASA đã chuẩn bị bằng cách mời influencer đến Florida và khuyến khích mọi người đăng tải nội dung chúc mừng sứ mệnh trong khi phát sóng trực tiếp, bao gồm cả việc trả lời câu hỏi từ người nổi tiếng. Đó chỉ là khởi đầu: NASA cho biết trong những sứ mệnh có người lái của tương lai, người dùng internet sẽ được thưởng thức nhiều nội dung hơn nữa, bao gồm hình ảnh và video được thu thập bởi các camera bên ngoài của tàu vũ trụ.
“Chúng tôi mong đợi sẽ thấy vô số thứ, từ chó Snoopy bằng bông trôi nổi bên trong tàu vũ trụ cho thấy tàu đang trong môi trường không trọng lực, cho đến những hình ảnh của Mặt Trăng và Trái Đất nhìn từ không gian“, Stephanie L. Smith, quản lý mạng xã hội của NASA, nói với báo giới. “Khi tàu hạ cánh, chúng tôi sẽ phát trực tiếp và chia sẻ thử nghiệm chuyến bay này với nhiều người nhất có thể“.
Với những tiền lệ này, phi hành gia sẽ sớm đăng bài từ quỹ đạo quanh Mặt Trăng, và khi đang thám hiểm Mặt Trăng. Mặc dù khả năng truyền dữ liệu từ không gian vẫn còn hạn chế, trạm mặt đất vẫn sẽ nhận được bài đăng nháp của các phi hành gia, và “sẽ có nhân sự trên mặt đất sẵn sàng để đăng tải thay“, NASA khẳng định.
Cũng chưa rõ lúc con người quay trở lại Mặt Trăng, mạng xã hội nào đang thịnh hành. Trong khi chờ đợi, các phi hành gia vẫn có nhiều kênh khác để sử dụng, bao gồm Twitter, Facebook và Instagram. Trong khi với hầu hết mọi người trên Trái Đất, những ứng dụng này chỉ là một cách để lãng phí thời gian trên internet, thì đối với các thành viên phi hành đoàn NASA, chúng được coi là một hình thức phục vụ cộng đồng.
“99,9% mọi người sẽ không bao giờ có cơ hội trải nghiệm điều mà bạn sẽ trải qua“, NASA viết trong tài liệu đào tạo. “Mạng xã hội là cơ hội để mọi người trải nghiệm [du hành không gian] thông qua bạn“.
Theo Vox
Kim
https%3A%2F%2Fthanhnienviet.vn%2Fnasa-cam-phi-hanh-gia-dung-tiktok-huan-luyen-ca-viec-dang-bai-tren-mang-xa-hoi-sao-cho-ngau-209241015165651183.htm