Những người thuộc thế hệ Gen Z (sinh ra từ những năm giữa đến cuối thập niên 1990 đến những năm đầu thập niên 2010, hoặc từ năm 1997 đến năm 2012 – theo một nghiên cứu của trung tâm nghiên cứu Pew) vật lộn để tìm việc làm sau khi học xong đại học.
Họ được yêu cầu hạ thấp kỳ vọng về công việc. Tuy nhiên, những người trẻ tuổi nói rằng điều đó gần như không thể trong bối cảnh chi phí sinh hoạt đắt đỏ hiện nay.
Một chuyên gia tuyển dụng cho biết, nhiều sinh viên mới tốt nghiệp ứng tuyển vào những vị trí cấp cao hơn nhiều so với kinh nghiệm của họ, trong khi họ chưa đủ khả năng để được chọn vào những vị trí đó.
Giám đốc tuyển dụng của Zetter Recruitment (Anh) Ursula Colman đã lý giải việc Gen Z có những kỳ vọng không thực tế về mức lương của họ hoặc thời gian làm việc cần thiết ở văn phòng.
“Mức lương mà mọi người sẵn sàng làm việc đã thay đổi. Chúng tôi thường có những vị trí ở cấp độ đầu vào và Gen Z nói: “Không, mức lương đó chưa đủ, tôi đang tìm kiếm mức lương cao hơn””, Colman cho biết.
“Ngày càng nhiều Gen Z muốn làm việc tại nhà. Nhưng thông thường, những vị trí đầu tiên trong sự nghiệp của bạn lại là vị trí cần kết nối nên phải đến cơ quan và làm việc nhiều giờ”, chuyên gia nói thêm.
Theo Colman, mặc dù việc sở hữu bằng đại học là tốt nhưng đó chỉ được coi là mức tối thiểu. Những người có kinh nghiệm làm việc được săn đón rất nhiều.
Trong khi đó, nhiều Gen Z lại muốn có thu nhập cao để đi du lịch và điều này dẫn đến những lỗ hổng lớn trong hồ sơ tìm việc của họ, khiến chúng trở nên kém hấp dẫn đối với các nhà tuyển dụng.
Những sinh viên mới tốt nghiệp gần đây tiết lộ rằng, họ không thể sống bằng tiền lương của sinh viên mới tốt nghiệp vì lạm phát.
Shakira Coldwell sống ở Gold Coast (Australia) cho biết, cô đã nộp đơn để ứng tuyển hơn 100 công việc nhưng vẫn không tìm được việc làm toàn thời gian. Cô lo sẽ lãng phí thời gian ở trường đại học nếu không thể kiếm được việc làm trong ngành mà cô đã học.
Người sáng lập và giám đốc tổ chức Superior People Recruitment (Australia), Graham Wynn nói với Yahoo Finance rằng, thị trường việc làm hiện tại rất khốc liệt.
“Tôi đã điều hành công việc này được 15 năm và chưa bao giờ trải qua khoảng thời gian đầy thử thách trong việc tìm kiếm ứng viên cho công việc như bây giờ.
Vấn đề là rất khó tìm được ứng viên phù hợp, các nhà tuyển dụng ngày càng kén chọn.”, Wynn nói và cho biết thêm, nếu tuyển dụng một người có kinh nghiệm, họ có thể “bắt đầu vào guồng quay” công việc ngay lập tức, thay vì phải mất hàng tháng để đào tạo.
Jude Rusga, một người Anh, đã tiết lộ những mẹo anh từng sử dụng để tìm việc ở Australia. Rusga cho rằng đó là sự kết hợp giữa sự tự tin, sự chủ động và “đánh bóng” bản thân một chút.
“Bạn sẽ cần một chút cá tính, một chút năng lượng. Bạn không thể bắt đầu cuộc phỏng vấn với tư thế cúi đầu, ngôn ngữ cơ thể khép kín… Bạn chỉ cần cởi mở, mỉm cười, vui vẻ và hành động như thể bạn thực sự quan tâm đến công việc, bất kể đó là gì”, Rusga chia sẻ.
“Tìm công ty, tìm email công ty và tìm email của người quản lý, viết cho họ một đoạn văn dài 6, 7, 8 đoạn – bao nhiêu tùy ý bạn – để nêu rõ quan điểm. Thứ nhất, bạn quan tâm đến công việc này đến mức nào, muốn công việc này đến mức nào và không thể để cơ hội này vụt mất.
Thứ hai, bạn chỉ cần đề nghị họ cho bạn một cuộc phỏng vấn và đó là tất cả những gì cần làm”, Rusga cho biết thêm.
Đề xuất thứ ba của Rusga là “đánh bóng” những kinh nghiệm nhỏ của bản thân để làm cho hồ sơ tìm việc trở nên nổi bật hơn.
Thành Đạt (theo Yahoo Finance)
Những người thuộc thế hệ Gen Z vật lộn để tìm việc làm sau khi học xong đại học. Họ được yêu cầu hạ thấp kỳ vọng về công việc. Tuy nhiên, những người trẻ tuổi nói rằng điều đó gần như không thể trong cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt hiện nay. Những người có kinh nghiệm làm việc được săn đón rất nhiều. Trong khi đó, nhiều Gen Z lại muốn đi du lịch và điều này dẫn đến những lỗ hổng lớn trong hồ sơ tìm việc của họ, khiến chúng trở nên kém hấp dẫn đối với các nhà tuyển dụng. |
https%3A%2F%2Fdansinh.dantri.com.vn%2Fnhan-luc%2Fly-do-khien-gen-z-kho-tim-viec-20240409144710325.htm