HomeXu hướngTrào lưu3 xu hướng tiêu dùng mạng xã hội nổi bật tại Việt...
spot_img

Related Posts

Featured Artist

Kaleb Đen

Painter

Kaleb bắt đầu cuộc phiêu lưu này cách đây 7 năm, khi chưa có tiếng nói thực sự nào bảo vệ môi trường. Những kiệt tác của anh thúc đẩy việc cứu Trái Đất.

3 xu hướng tiêu dùng mạng xã hội nổi bật tại Việt Nam năm 2024: Tỷ lệ người dùng Threads ở thế hệ Millennials tăng mạnh, TikTok trở thành mạng xã hội không thể thiếu của người dùng Việt

Năm 2024 chứng kiến nhiều sự đổi mới trong hành vi mua sắm của người tiêu dùng, nơi mạng xã hội đóng vai trò là chất xúc tác. Sự chuyển dịch nhanh chóng này đòi hỏi các marketer phải không ngừng cập nhật và thích ứng. Để xây dựng chiến lược và lập kế hoạch phù hợp cho hoạt động marketing trên các nền tảng, hãy cùng khám phá 3 xu hướng tiêu dùng mạng xã hội có sức ảnh hưởng mạnh mẽ trong năm 2024 qua bài viết dưới đây!

1. Threads ngày càng thu hút sự quan tâm của thế hệ Millennials 

Ra mắt vào tháng 07/2023, Threads là nền tảng mạng xã hội được phát triển bởi Instagram, cho phép người dùng chia sẻ nội dung thông qua hình thức hội thoại. Giao diện tối giản và tập trung vào nội dung của nền tảng này đã thu hút những người dùng đang tìm kiếm trải nghiệm ít bị phân tâm hơn bởi quảng cáo hay video. Điều này giúp Threads trở thành mạng xã hội phát triển nhanh nhất, đạt 100 triệu người dùng chỉ trong 5 ngày sau khi ra mắt. Từ tháng 10/2023, lượng người dùng tiếp tục tăng trưởng ổn định với khoảng 7,5 triệu người dùng mới mỗi tháng, và nền tảng đã đạt cột mốc 200 triệu người dùng vào cuối tháng 7 vừa rồi.

Giao diện tối giản và tập trung vào nội dung của Threads đã thu hút những người dùng đang tìm kiếm trải nghiệm ít bị phân tâm hơn bởi quảng cáo hay video

Báo cáo “The Connected Consumer” quý II/2024 từ Decision Lab cho thấy, Threads đang không ngừng mở rộng đối tượng người dùng, vượt ra ngoài đối tượng Gen Z khi thế hệ Millennials cũng đang tích cực tham gia nền tảng này. Cụ thể, tỷ lệ người dùng Threads tại Việt Nam đã đạt 10%, tăng 5% so với quý trước. Sự tăng trưởng này chủ yếu đến từ việc nền tảng được đón nhận nồng nhiệt bởi nhiều nhóm tuổi khác nhau, khi Gen Z ghi nhận mức tăng 6% trong tỷ lệ sử dụng, trong đó thế hệ Millennials có sự tăng trưởng ấn tượng với 7%

Threads đang chứng kiến sự gia tăng đáng kể lượng người dùng, đặc biệt là trong nhóm Gen Z và Millennials 

Sự phát triển đáng kể của Threads trong nhóm đối tượng Millennials có thể được lý giải một phần bởi bản chất của nền tảng này như một mạng xã hội Microblogging (hình thức viết blog sử dụng các bài đăng ngắn). Thế hệ Millennials, sinh từ năm 1981 – 1997, là những người đầu tiên sử dụng Internet và đã quen thuộc với các nền tảng blog trực tuyến. Sự quen thuộc này giúp Threads, với đặc điểm nổi bật là mạng xã hội dựa trên văn bản, trở nên dễ tiếp cận và hấp dẫn hơn đối với họ.

Bên cạnh đó, Threads cũng đang không ngừng cải tiến các tính năng và dịch vụ nhằm giữ châm người dùng và phát triển bền vững theo thời gian. Khả năng thích ứng với sự thay đổi trong sở thích của người dùng, đối phó với những thách thức tiềm ẩn, và tạo ra sự khác biệt so với các đối thủ những yếu tố quyết định thành công trong tương lai của Threads trên thị trường mạng xã hội tại Việt Nam.

2. TikTok trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của người Việt

Cũng trong báo cáo trên, Decision Lab đã sử dụng chỉ số “Ứng dụng quan trọng nhất” để đánh giá các nền tảng mạng xã hội mà người Việt coi là thiết yếu trong đời sống hàng ngày. Theo dữ liệu, Facebook, Zalo YouTube vẫn là ba nền tảng không thể thiếu trong thói quen sử dụng của người tiêu dùng Việt Nam.

Tuy nhiên, từ quý I/2023, Facebook và YouTube đã cho thấy xu hướng giảm trong mức độ cần thiết đối với người dùng Việt Nam. Ngược lại, ứng dụng nhắn tin Zalo lại ghi nhận sự tăng trưởng nhẹ. Khi so sánh quý II/2024 với quý trước, cả ba nền tảng này đều ghi nhận sự sụt giảm về mức độ cần thiết, với các thay đổi khác nhau tùy thuộc vào từng nhóm tuổi.

Trong bối cảnh đó, TikTok đã vươn lên thành một nền tảng nổi bật với sự gia tăng liên tục về mức độ thiết yếu, đạt 11% trong quý II/2024, đồng thời ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng với tỷ lệ thâm nhập đạt kỷ lục 68%. Đáng chú ý, TikTok ghi nhận sự tăng trưởng ở cả ba thế hệ trong năm 2024. Thành tích này một lần nữa khẳng định tầm ảnh hưởng của TikTok trong bức tranh tiêu dùng mạng xã hội tại Việt Nam, đồng thời nhấn mạnh tiềm năng phát triển mạnh mẽ của nền tảng này trong một thị trường đầy cạnh tranh hiện nay.

Trong quý II/2024, ​tỷ lệ thâm nhập của Facebook đã giảm xuống còn 92%, hiện ngang bằng với Zalo, riêng TikTok lại vươn lên với tỷ lệ thâm nhập đạt kỷ lục 68%

Sự phát triển của TikTok đã làm thay đổi hoàn toàn cách thức người dùng, đặc biệt là Gen Z trong việc tiếp cận và tiêu thụ thông tin. Không chỉ là một nền tảng giải trí, TikTok còn đang trở thành công cụ tìm kiếm chính cho nhiều mục đích khác nhau.

Điều này được thể hiện qua báo cáo “Vietnam Social Media Consumption” quý II/2024 của Decision Lab, khi TikTok đạt mức độ phổ biến là 22% với Gen Z, vượt xa YouTube (15%) và chỉ xếp sau Facebook (40%). Trong khi đó, TikTok chỉ chiếm 9% trong nhóm Gen Y, thấp hơn nhiều so với Facebook (38%) và Zalo (30%). Sự chênh lệch này cho thấy TikTok đang dần trở nên quan trọng và phổ biến hơn đối với Gen Z, trong khi các nền tảng truyền thống vẫn giữ ưu thế trong nhóm Gen Y.

Trong khi thế hệ Millennils vẫn trung thành với các nền tảng truyền thống, Gen Z lại thể hiện sự ưu ái rõ rệt đối với TikTok

Báo cáo trên cũng chỉ ra rằng, TikTok không chỉ đơn thuần là một nền tảng giải trí mà còn là một kênh thông tin đa dạng, cung cấp các video review sản phẩm, hướng dẫn học tập và nhiều nội dung hữu ích khác. Điều này đã biến TikTok thành một phần không thể thiếu trong hành trình mua sắm của Gen Z, từ giai đoạn tìm hiểu đến quyết định mua hàng. Sự chuyển đổi này không chỉ giới hạn ở Việt Nam mà còn là xu hướng toàn cầu. Nghiên cứu của Bernstein Research năm 2024 cho thấy, thế hệ Gen Z và Gen Alpha đang dần thay thế Google bằng TikTok, nhằm tìm kiếm thông tin nhanh chóng và trực quan, đặc biệt là khi cần đưa ra quyết định mua sắm.

3. YouTube đối mặt với nhiều thách thức mới trong việc duy trì sức hấp dẫn trong mắt người dùng 

Trước đó, theo báo cáo “YouTube Marketing Report 2024” từ Influencer Marketing Hub, mặc dù YouTube đối mặt với nhiều thách thức từ các nền tảng tích hợp giải trí và thương mại điện tử như TikTok, các nhà sáng tạo nội dung vẫn giữ niềm tin vào tiềm năng của YouTube.

Cụ thể, 65,1% trong số họ có kế hoạch tăng ngân sách tiếp thị trên nền tảng này trong năm tới. Doanh thu quảng cáo của YouTube cũng đạt 8,1 tỷ USD trong quý I/2024, tăng 21% so với năm trước, được thúc đẩy một phần nhờ vò 44,7% các nhà sáng tạo nội dung. Dẫu vậy, nền tảng này vẫn phải đối mặt với thách thức trong việc duy trì sự hấp dẫn, khi có tới 31,6% các nhà sáng tạo nội dung quyết định không phân bổ ngân sách cho YouTube. 

Hiện tại, thị hiếu của người dùng Việt Nam dần có những chuyển biến rõ rệt, đặc biệt ảnh hưởng đến việc sử dụng YouTube. Theo Báo cáo “The Connected Consumer”, quý II/2024 ghi nhận sự suy giảm đáng kể trong mức độ tiêu thụ nội dung trên nền tảng này, cả về video dài và ngắn, khi ghi nhận mức độ thâm nhập thị trường giảm từ 2-5 điểm phần trăm. Các thể loại truyền thống như phim ảnh, âm nhạc và chương trình truyền hình cũng mất đi sức hút so với trước đây. Sự sụt giảm 4 điểm phần trăm trong tỷ lệ thâm nhập của YouTube cho các video âm nhạc và giải trí, xuống còn 82%, cho thấy rõ sự thay đổi này. 

Trong quý II/2024, YouTube chứng kiến sự sụt giảm trong một loạt các hoạt động, từ tiêu thụ short-form và long-form video, cho đến việc streaming phim ảnh và ca nhạc

​​​​Theo chiều hướng tích cực, YouTube vẫn duy trì thế mạnh trong việc thu hút người dùng lướt web mà không có mục đích cụ thể. Tỷ lệ ưu tiên cho hoạt động này đã tăng 3%, đặc biệt trong các nhóm người dùng thuộc Gen Z và Millennials. Điều này mang lại cho các thương hiệu cơ hội tốt để tiếp cận đối tượng mục tiêu, vì khi lướt web mà không có định hướng rõ ràng, người dùng thường sẵn sàng khám phá và tương tác với những nội dung và ý tưởng mới.

Tuy nhiên, việc xây dựng nội dung hấp dẫn, tạo sự kết nối tự nhiên với trải nghiệm lướt web của người dùng vẫn là ưu tiên hàng đầu của YouTube. Bằng cách đó, các thương hiệu có thể nâng cao nhận diện thương hiệu, tăng cường sự tương tác và thúc đẩy hành vi mua hàng của khách hàng tiềm năng trên nền tảng này. 

Tháng 6 vừa qua, YouTube thử nghiệm tính năng tóm tắt nội dung bằng trí tuệ nhân tạo (AI) để phân loại các bình luận theo chủ đề, giúp người xem dễ dàng nắm được nội dung chính

Như Quỳnh 

Subscribe Newsletter của Advertising Vietnam để theo dõi nhiều tin tức hấp dẫn về ngành quảng cáo.



https%3A%2F%2Fadvertisingvietnam.com%2F3-xu-huong-tieu-dung-mang-xa-hoi-noi-bat-tai-viet-nam-nam-2024-ty-le-nguoi-dung-threads-o-the-he-millennials-tang-manh-tiktok-tro-thanh-mang-xa-hoi-khong-the-thieu-cua-nguoi-dung-viet-p25308

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Latest Posts